Thứ 6, 20/09/2024, 04:14[GMT+7]

Tăng cường kiểm tra, phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp tết Trung thu

Thứ 7, 14/09/2024 | 14:50:45
169 lượt xem
Tết Trung thu đang đến gần, đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tập trung cao cho việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành của tỉnh đã tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo kế hoạch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra quy trình sản xuất tại hộ kinh doanh ở xã Đông Sơn (Đông Hưng).

Mỗi ngày, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoài (cơ sở Đình Mạnh), xã Đông Sơn (Đông Hưng) sản xuất khoảng 600 chiếc bánh nướng, bánh dẻo và sử dụng gần 2 tạ nguyên liệu (đường, lạc, bột...) để sản xuất kẹo lạc, bánh cáy, kẹo dồi lạc... xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Dù được xem là cơ sở có “thâm niên” trên thị trường song đối với việc sản xuất bánh nướng, bánh dẻo vẫn có những nỗi lo bởi không như các loại bánh kẹo khác, 2 sản phẩm này đều có hạn sử dụng ngắn. Bà Nguyễn Thị Hoài, chủ hộ kinh doanh chia sẻ: Do sản phẩm có hạn sử dụng ngắn nên gia đình cũng không dám sản xuất sớm. Việc sản xuất 2 loại bánh này chỉ thực hiện trong thời gian từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 8. Nguyên liệu làm bánh như mỡ lợn, lạp xưởng, hạt cũng phải được chọn lựa rất kỹ. Bên cạnh đó, chúng tôi dặn dò nhân viên luôn phải tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm để bảo đảm ATTP. Hiện các nhân viên trực tiếp đã được tập huấn về ATTP. 

Qua kiểm tra, theo đánh giá của các thành viên đoàn kiểm tra, cơ sở đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về ATTP song một số biện pháp bảo đảm vệ sinh dụng cụ chế biến chưa triệt để. Các thành viên trong đoàn đề nghị cơ sở khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng thời tiếp tục nhắc nhở nâng cao ý thức trách nhiệm của người trực tiếp sản xuất; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm đối với 2 sản phẩm là bánh nướng và bánh dẻo thập cẩm. 

Kiểm tra tại nhà hàng Thắng Dê, xã Đông La (Đông Hưng), các thành viên trong đoàn ghi nhận cơ sở cơ bản đáp ứng các yêu cầu về ATTP, tuy nhiên khâu vệ sinh vẫn chưa thực sự bảo đảm. Do đó, cùng với việc đề nghị cơ sở bảo đảm việc vệ sinh thường xuyên, thực hiện ghi chép, kiểm thực 3 bước đầy đủ, đoàn cũng đề nghị cơ sở bổ sung đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, phải có điểm đến là Thái Bình. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, ngành y tế đã phối hợp với ngành nông nghiệp, công thương tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc lĩnh vực quản lý của 3 ngành. Mục tiêu của việc kiểm tra nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý về ATTP trong tình hình mới; kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Song song với việc kiểm tra, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo đảm ATTP. 

Thời điểm này, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP đang tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, ưu tiên kiểm tra những cơ sở sản xuất bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP qua giám sát mối nguy ô nhiễm. Kiểm tra tại một số cơ sở, đoàn kiểm tra đã phát hiện, nhắc nhở một số vi phạm như: điều kiện vật chất ở xưởng sản xuất một số vị trí chưa bảo đảm; vẫn còn côn trùng gây hại trong khu sản xuất, chế biến; việc vệ sinh khu chế biến chưa đạt yêu cầu... Hoạt động kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết ngày 18/9/2024. Nếu phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP, đoàn sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. 

Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tích cực trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm về ATTP, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín vẫn còn cơ sở chưa tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP; còn xuất hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm các điều kiện về ATTP xâm nhập vào thị trường. Do đó, công tác kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoài (cơ sở Đình Mạnh), xã Đông Sơn (Đông Hưng) sản xuất khoảng 600 chiếc bánh nướng, bánh dẻo/ngày.

Hoàng Lanh