Chủ nhật, 10/11/2024, 05:52[GMT+7]

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay

Thứ 4, 27/01/2021 | 09:02:34
5,596 lượt xem
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan hơn về kinh tế thế giới khi việc tiêm vaccine được phổ biến, nhưng vẫn lo lắng về các chủng virus mới.

IMF hôm 27/1 công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, dự báo GDP toàn cầu tăng 5,5% năm nay - cao hơn 0,3% so với báo cáo tháng 10/2020. Sang năm sau, tốc độ này sẽ là 4,2%.

"Tình hình hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào cuộc đua giữa virus và vaccine để chấm dứt đại dịch, cũng như khả năng các nước có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho đến khi điều trên diễn ra", Gita Gopinath - kinh tế trưởng của IMF cho biết, "Quá trình hiện còn nhiều bất ổn và triển vọng của từng nước rất khác nhau".

Vài tháng qua, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên thế giới tăng vọt khi các chủng mới xuất hiện. Những chủng này được đánh giá lây lan nhanh hơn và có thể có độc tính cao hơn chủng ban đầu. Vì thế, nhiều nước đã phải siết phong tỏa, khiến kinh tế càng bị bóp nghẹt.

IMF hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực eurozone năm nay thêm 1%. Khối này đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch, có thể chỉ tăng trưởng 4,2% năm nay. 4 nền kinh tế lớn nhất eurozone - Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha - đều bị hạ dự báo năm nay. IMF cho rằng khu vực này chỉ có thể quay về mức tiền đại dịch vào cuối năm 2022.

Ngược lại, tăng trưởng của Mỹ được điều chỉnh tăng 2% năm nay, nhờ đà hồi phục nửa cuối năm 2020 và các chính sách tài khóa bổ sung. GDP Mỹ có thể tăng 5,1%. Quốc hội Mỹ tháng trước đã duyệt gói kích thích 900 tỷ USD và Tổng thống Joe Biden đang đề xuất gói 1.900 tỷ USD nữa.

Với nhóm thị trường mới nổi, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng hơn 8% năm nay. "Trung Quốc đã quay về mức dự báo tiền đại dịch vào quý cuối năm 2020, trước tất cả các nền kinh tế lớn khác", Gopinath nói.

IMF lặp lại lời kêu gọi các chính phủ duy trì hỗ trợ nền kinh tế thông qua kích thích tài khóa để tăng tốc đà phục hồi. "Các hành động chính sách nên được thực hiện hiệu quả cho đến khi đà phục hồi vững chắc, tập trung vào nâng sản lượng, đảm bảo tăng trưởng có lợi cho tất cả và giảm phụ thuộc vào khí thải carbon", Gopinath kết luận.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày