Thứ 7, 23/11/2024, 20:14[GMT+7]

Thái Bình: Hướng mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Thứ 2, 19/12/2022 | 07:57:33
9,971 lượt xem
Đô thị hóa là xu thế tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của nước ta ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Thành phố Thái Bình.

Tuy nhiên, công tác xây dựng cơ chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng... vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp thực tiễn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 93-KH/TU, ngày 24/1/2022 với một số mục tiêu cụ thể. Về quy hoạch đô thị, đến năm 2025, 100% các đô thị hiện hữu và đô thị mới được lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Về phát triển đô thị, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 30%, với số lượng đô thị toàn tỉnh khoảng 20 đô thị, trong đó thành phố Thái Bình đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh; diện tích nhà ở đô thị đạt khoảng 37m2 sàn/người; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16%. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 40%, với số lượng khoảng 28 đô thị, trong đó có từ một đến hai đô thị được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại III; diện tích nhà ở đô thị đạt khoảng 39m2 sàn/người; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%.

Về xây dựng, quản lý đô thị, đến năm 2025, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị. Hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư đồng bộ, thông suốt. Hạ tầng mạng internet băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Hệ thống hạ tầng hiện đại, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 đạt tỷ trọng 75%; đến năm 2030 đạt 85% trở lên...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song song với việc lập Quy hoạch tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh cũng đang được xây dựng làm cơ sở bố trí nguồn lực, phân kỳ đầu tư phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh bền vững, đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. 100% các đô thị hiện hữu trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chung được phê duyệt; các đô thị mới được tổ chức lập theo đúng kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; việc lập quy hoạch phân khu thành phố Thái Bình đang được triển khai đồng bộ, phấn đấu đến hết năm 2022 tỷ lệ phủ quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố đạt khoảng 80%...

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trên các tuyến phố.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khách quan dẫn đến một số khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc xác định vai trò của các đô thị trong mối quan hệ vùng, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc xác định thứ tự ưu tiên, trọng điểm đầu tư phát triển hệ thống đô thị bền vững; nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống đô thị là rất lớn trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế, nếu không xác định được khu vực ưu tiên đầu tư dễ dẫn đến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu; các chỉ tiêu, tiêu chí về đô thị thông minh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu còn chung chung dẫn đến nhiều khó khăn cho các địa phương trong công tác triển khai, thực hiện...

Ngoài ra, giai đoạn 2011 - 2020, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tập trung cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, do đó nguồn lực đầu tư cho khu vực đô thị chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ở mức thấp so với toàn quốc. Nhận rõ vấn đề trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 06 -NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ và giải pháp tạo động lực phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong thời gian tới. Trong đó, tập trung hoàn thiện các quy chế, quy định và cơ chế, chính sách, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình đô thị hóa; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới, chú trọng đến việc đổi mới toàn diện về phương pháp, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược; tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh và chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng sống, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự, đồng thời chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong công tác quản lý đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị; đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Thái Bình gắn với phát triển các đô thị ven biển...

Nguyễn  Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày