Thứ 6, 20/09/2024, 11:04[GMT+7]

Quan tâm chăm sóc trẻ tự kỷ

Thứ 3, 17/09/2024 | 08:58:51
1,247 lượt xem
Trong cuộc sống hiện nay, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ngày càng gia tăng. Việc sớm phát hiện dấu hiệu trẻ em bị tự kỷ là điều rất quan trọng bởi nếu được chăm sóc, can thiệp kịp thời thì sẽ giúp trẻ hạn chế những ảnh hưởng nghiêm trọng của chứng tự kỷ.

Chị Nhâm Thị Phượng và giờ học với trẻ em mắc chứng tự kỷ.

Sinh con ra, bậc làm cha, làm mẹ nào cũng đều mong muốn con mình được mạnh khỏe, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Dù vậy, có những gia đình không may có con bị mắc chứng tự kỷ; có trường hợp nhẹ, có trường hợp nặng nhưng dù thế nào thì việc chăm sóc, giáo dục những đứa trẻ tự kỷ cũng vô cùng gian truân và nhọc nhằn. 

Chị Hiền ở xã Minh Tân (Kiến Xương) là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả khi con mình bị tự kỷ. Khi con chị mới hơn 1 tuổi, vợ chồng chị đã phát hiện cháu có dấu hiệu mắc chứng tự kỷ. Lúc đầu triệu chứng còn nhẹ, chị vẫn cho con học mầm non bình thường và kết hợp học thêm lớp chuyên biệt tại trung tâm. Tuy nhiên, càng lớn thì tình trạng của con chị không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Khoảng 3 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị chở con vượt 20 cây số lên thành phố Thái Bình để cháu theo học ở một trung tâm can thiệp, chăm sóc trẻ em bị tự kỷ. Tốn kém kinh phí cho việc học tập, đi lại là chuyện đã đành; việc đưa con đi lại một quãng đường xa, những hôm mưa, nắng thất thường là điều chị Hiền lo lắng và không yên tâm nhất bởi cháu thường xuyên bị ốm. 

Chị Hiền chia sẻ: Vì con bị mắc chứng tự kỷ nên nhiều năm nay tôi nghỉ hẳn công việc để ở nhà chăm sóc cháu. Giờ chỉ còn mỗi chồng tôi làm việc để chăm lo cho gia đình. Chi phí hàng tháng cho cháu hiện nay cũng tốn kém nhưng vợ chồng tôi tự nhủ sẽ cố gắng hết sức có thể để lo cho con. Tôi sẽ kiên trì, quyết tâm đồng hành cùng con dù phía trước có khó khăn như thế nào.

Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa phức tạp của hệ thần kinh. Các dấu hiệu điển hình, đặc trưng thường xuất hiện trong 3 năm đầu tiên của trẻ với những khiếm khuyết, khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và các hành vi rập khuôn định hình, đi kèm với đó là những phản ứng bất thường với các kích thích giác quan. Một số nguyên nhân nguy cơ cao của hội chứng tự kỷ gồm di truyền, môi trường, tâm lý thần kinh và các yếu tố khác. 

Chị Nhâm Thị Phượng, giáo viên đang giảng dạy tại một trung tâm chăm sóc, can thiệp trẻ tự kỷ tại thành phố Thái Bình cho biết: Trẻ tự kỷ thường có các biểu hiện khác đi kèm như tăng động, giảm chú ý, chứng khó đọc, chậm nhớ nhanh quên hoặc trẻ hay bồn chồn, lo lắng quá mức… Có kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em tự kỷ nhiều năm nay, chị Phượng thường sử dụng một số phương pháp can thiệp như sử dụng hệ thống giao tiếp bằng trao đổi hình ảnh (PECS), phương pháp can thiệp hành vi (ABA) trong quá trình giảng dạy; ngoài ra chị còn sử dụng các trò chơi, âm nhạc và các câu chuyện xã hội để can thiệp chứng tự kỷ ở trẻ em.

Tại tỉnh Thái Bình hiện nay, chưa có cơ sở giáo dục mầm non công lập nào tiếp nhận chăm sóc, giáo dục và can thiệp chứng tự kỷ ở trẻ em. Trước thực tế tình trạng trẻ em tự kỷ ngày càng gia tăng, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các bậc phụ huynh và đội ngũ giáo viên mầm non về kỹ năng, phương pháp chăm sóc trẻ tự kỷ. Tại mỗi lớp tập huấn như vậy, các chuyên gia sẽ thông tin những nội dung cơ bản về chứng tự kỷ ở trẻ em; từ đó giúp các bậc phụ huynh, đội ngũ giáo viên mầm non nắm được những kỹ năng bổ ích để áp dụng vào thực tiễn. 

Tiến sĩ Bùi Thị Tuyết Mai, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình cho biết: Trong các buổi tập huấn, tôi tập trung truyền đạt một số nguyên nhân nguy cơ cao trẻ bị tự kỷ, các dấu hiệu để nhận biết sớm trẻ có nguy cơ tự kỷ, tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ ở giai đoạn vàng, các đặc điểm điển hình của trẻ tự kỷ, các nguyên tắc trong can thiệp cho trẻ tự kỷ, các phương pháp và phương tiện dạy học đặc thù cho trẻ tự kỷ…

Giáo dục trẻ tự kỷ đòi hỏi cả một quá trình tác động lâu dài, kiên trì và bền bỉ. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: Nếu trẻ tự kỷ được phát hiện, can thiệp sớm trước 3 tuổi thì cơ hội hòa nhập sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về chứng tự kỷ ở trẻ em nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của mỗi gia đình và xã hội. Từ đó, giúp các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhận thức đúng đắn về hội chứng tự kỷ; quan tâm chăm sóc, can thiệp sớm, toàn diện đối với trẻ tự kỷ để giúp các cháu hòa nhập với cộng đồng.

                                                                                Đỗ Hồng Anh