Thứ 7, 23/11/2024, 10:21[GMT+7]

Biến khát vọng thành hành động

Thứ 5, 15/10/2020 | 08:23:58
16,671 lượt xem
Một đời gắn bó với cánh đồng, với cây lúa, ông đã góp phần làm nên những kỳ tích trong ngành sản xuất giống cây trồng. Ông là Trần Mạnh Báo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Tham quan mô hình giống lúa BC15 kháng đạo ôn của ThaiBinh Seed tại xã Phúc Thành (Vũ Thư).

Trong nhiều lần trò chuyện với tôi, ông từng nói ước mơ được gắn bó với đồng ruộng, với cây lúa đã nhen nhóm trong ông từ tuổi thơ với cuộc sống gian khó nơi quê nhà. Ước mơ một ngày giúp đỡ được người nông dân và thỏa niềm đam mê với cây trồng với đồng ruộng quê hương đã theo ông trong suốt những tháng năm nếm mật nằm gai nơi chiến trường ác liệt. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, tinh thần của một đảng viên, sau khi rời quân ngũ ông Trần Mạnh Báo trở về quê hương với thương tật hạng 2/4 và xin chuyển ngành về Ty Nông nghiệp Thái Bình (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) rồi chuyển về công tác tại Công ty Giống lúa Thái Bình. Không chỉ say mê với cây lúa, trong lòng ông còn luôn cháy khát vọng được đi học. Khát khao ấy đã tạo nên sức mạnh để ông vượt qua mọi mặc cảm, khó khăn, vừa đi học vừa đi làm, theo học cấp 3 và thi vào đại học. Tốt nghiệp đại học, ông Báo được đề bạt làm Trại phó Trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ. Từ đây, ông bước đi từng bước đầy gian truân, biến khát vọng thành hành động.

Nhớ những ngày trở về Trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ, nhìn cơ ngơi của Trại, ông suy nghĩ nhiều lắm. Ông nhận thấy bộ máy quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” không mang lại hiệu quả. Cùng với suy nghĩ đó là niềm trăn trở ước mơ tạo được những bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao luôn thôi thúc trong ông. Ông đã mạnh dạn xây dựng và xin thực hiện đề án khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh. Dù ngày đó gặp phải nhiều sự phản đối gay gắt cho rằng dự án đi ngược lại đường lối, chính sách quản lý nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, song cuối cùng với lập luận đầy tâm huyết của ông Ban Giám đốc Công ty đã đồng ý cho thực hiện đề án. Kết quả sau 1 năm, người lao động từ chỗ hưởng 16kg gạo/tháng đã tăng lên 40kg gạo/tháng. Từ thành công của đề án, ông Báo tiếp tục xây dựng hệ thống bán lẻ thóc giống, tìm cách làm bao bì đựng thóc giống.

Trong những bước thăng trầm cùng doanh nghiệp, ông luôn nhớ đến quá trình cổ phần hóa Công ty. Với sự nỗ lực không ngừng, tháng 9/2004 Công ty được tỉnh công nhận thực hiện xong cổ phần hóa và được mang tên mới là Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Tại đại hội cổ đông, ông Báo được bầu vào Hội đồng quản trị Công ty và được Hội đồng quản trị bầu giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc. Từ đây, trách nhiệm trên vai ông càng thêm nặng nề song cũng đầy tự hào. Những năm tháng đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo đã cùng cán bộ, nhân viên Công ty tạo ra bước đột phá dựa trên ba trụ cột trí tuệ - công nghệ - quan hệ. Sau cổ phần hóa Công ty gặp muôn vàn khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ quản lý yếu kém, khoa học công nghệ lạc hậu. Trước tình hình đó ông Báo lại như con thoi cùng Công ty tổ chức những lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn quản lý cho cán bộ, công nhân. Liên kết hợp tác với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp giống cây trồng ở Trung Quốc, mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học, doanh nghiệp trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nhằm tổ chức đào tạo nhân lực. Nhờ đó, Công ty đã hoàn thành tái cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với 45% người lao động có trình độ đại học và trên đại học. Bên cạnh đó, ông và Công ty luôn xác định ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là phương châm hoạt động và đã đạt được những thành tựu quan trọng.  Hàng năm, Công ty đầu tư từ 10 - 15 tỷ đồng để nghiên cứu khảo nghiệm hàng nghìn giống lúa các loại. Công ty cũng áp dụng hệ thống ISO để quản lý chất lượng của tất cả các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và dịch vụ. Ông đã cùng với Công ty đầu tư dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước có viện nghiên cứu cây trồng có phòng thử nghiệm quốc gia mã số VILAS110. Với những nỗ lực không ngừng, ông Báo đã góp phần đưa Công ty trở thành 1 trong 500 doanh nghiệp phát triển nhất Việt Nam.

Để phù hợp với xu thế hội nhập, tháng 9/2018, Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Dù bộn bề công việc của người đứng đầu, song niềm say mê khoa học, sáng tạo quyết tâm bứt phá trong ngành giống ở Việt Nam của ông Trần Mạnh Báo chưa bao giờ giảm. Những năm qua, ông cùng cán bộ Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thành công nhiều loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao.  Đến nay, ThaiBinh Seed đã trở thành nhà sản xuất giống lúa chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm giống lúa chất lượng như BC15, TBR1,  TBR225, Đông A1... của Công ty đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm có khoảng 20.000 - 22.000 tấn giống lúa mang thương hiệu ThaiBinh Seed đến với nông dân. Riêng ở Thái Bình, các loại giống này đã trở thành giống chủ lực, chiếm tới 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh.  

Ông Báo từng nói, khi đã nặng lòng với cánh đồng thì thời gian cũng như tâm huyết luôn gắn bó với đồng ruộng, với nông dân. Tự nhận mình là một “nông dân mới” và cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, cánh đồng, ông Trần Mạnh Báo đã gặt hái về những quả ngọt cho mình và cho quê hương. Nhìn lại chặng đường gắn bó với cánh đồng, ông Trần Mạnh Báo đã thực hiện được ước mơ tuổi thơ năm xưa của mình cùng với ThaiBinh Seed ngày càng phát triển trong thời hội nhập.


Mai Thư