Thứ 7, 23/11/2024, 10:46[GMT+7]

Người nặng lòng với nông nghiệp, nông dân

Thứ 2, 04/10/2021 | 10:27:12
10,007 lượt xem
“Chính ông Trần Mạnh Báo và ThaiBinh Seed đã làm thay đổi sản xuất, nghiên cứu ứng dụng và làm thay đổi cơ cấu giống lúa ở Việt Nam” - đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trong một lần về thăm Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Trong xu thế phát triển của ngành sản xuất lúa gạo, không chỉ góp phần làm nên những mùa vàng, ThaiBinh Seed dưới sự dẫn dắt của cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo đang nỗ lực thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, hướng tới sản xuất lúa bền vững.

Ông Trần Mạnh Báo là tác giả và đồng tác giả của 15 giống cây trồng mới.

Nông dân được mùa là thành công của doanh nghiệp

Dù là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của ThaiBinh Seed nhưng ông Trần Mạnh Báo vẫn thường xắn quần, tháo giày để lội ruộng cùng nông dân, thân thuộc từng cánh đồng, mẫu ruộng ở nhiều tỉnh, thành phố của đất nước. Đó chính là ấn tượng sâu sắc nhất với tôi trong những lần được cùng ThaiBinh Seed đi thăm, đánh giá các giống lúa. Ông từng chia sẻ, mỗi tuần không lội ruộng được 1 - 2 lần, không nhìn thấy cây lúa là ông như thiếu một cảm giác thân thuộc; nông dân là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền với doanh nghiệp sản xuất lúa giống. Chính vì thế, nông dân được mùa là thành công, hạnh phúc của doanh nghiệp. Và quả thực, bằng đam mê, hăng say lao động, học tập và rèn luyện, ông trở thành hình mẫu của một doanh nhân vượt khó, có tâm, có tầm trong ngành Nông nghiệp.

Dưới sự chèo lái của ông, ThaiBinh Seed không ngừng phát triển, là doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng. Đến nay, ThaiBinh Seed đã xây dựng trên 70 điểm liên kết sản xuất trong cả nước với diện tích 7.000 - 8.000ha/năm, tiêu thụ cho nông dân 25.000 - 30.000 tấn sản phẩm, hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng tại các điểm liên kết. Nhiều hộ nông dân liên kết với công ty sản xuất giống lúa cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, mang lại thu nhập cho các đơn vị liên kết từ 50 - 60 tỷ đồng/năm. 

Ông Trần Mạnh Báo là tác giả và đồng tác giả của 15 giống cây trồng mới. Mỗi giống có một đặc tính riêng để đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Đặc biệt lần đầu tiên nghiên cứu thành công giống ngô lai TBM18; chuyển gen kháng bệnh đạo ôn vào giống lúa BC15 qua đó góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong nông nghiệp Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung. Nhiều giống đã trở thành chủ lực trong cơ cấu sản xuất của các địa phương như BC15 và TBR225, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.

ThaiBinh Seed là doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng.

Nặng lòng với nông nghiệp, nông dân

“Trải nghiệm sau hàng chục chuyến công tác, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp tại rất nhiều quốc gia trên khắp năm châu bốn biển, mỗi chuyến đi với tôi được mở rộng tầm nhìn, học tập thêm nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp. Cái ta khác họ là điều kiện tự nhiên, diện tích đất đai nhưng quan trọng hơn là tư duy, tầm nhìn và trách nhiệm của những người làm nông nghiệp với cả xã hội”. Đó là chia sẻ, cũng là trăn trở của người đứng đầu một doanh nghiệp có tiếng trong ngành hàng lúa gạo, từ đó thôi thúc ThaiBinh Seed tham gia dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (dự án AVERP) trong điều kiện ngành sản xuất lúa nước ta đã và đang quan tâm tìm cách giảm phát thải khí nhà kính để góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững. 

Được tổ chức dưới hình thức một cuộc thi, dự án AVERP được đánh giá đã tạo “sân chơi” minh bạch, công bằng cho các đơn vị dự thi với sự tham gia của các đơn vị: cơ quan kiểm định (tham gia dự án với vai trò kiểm định các kết quả và các vấn đề, hoạt động đáng ngờ hoặc gian lận của các đơn vị tham gia tranh giải; xác minh việc nông hộ sử dụng công nghệ, số lượng nông hộ sử dụng, việc áp dụng công nghệ và kết quả nghiên cứu thực địa để tính toán giải thưởng; đo đạc lượng khí nhà kính phát thải, sử dụng hình ảnh vệ tinh để ước lượng năng suất...), cơ quan đánh giá độc lập (đánh giá tác động của dự án). 

Với sự kiểm định và đánh giá nghiêm ngặt, khách quan, giải nhất dự án là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp, cố gắng không biết mệt mỏi của ThaiBinh Seed. Thay vì bón phân nhiều lần/vụ, không xiết nước thì giờ đây, những hộ dân tham gia dự án đã tự giác sử dụng phân bón 1 lần, xiết nước 3 lần theo nhu cầu sinh trưởng của cây lúa. Những vụ lúa bội thu nối dài niềm vui cho những người nông dân và thêm khẳng định tính ưu việt của gói công nghệ ThaiBinh Seed triển khai cũng như thành công của dự án.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết và trao giải dự án AVERP, ông Trần Mạnh Báo cho biết: Dự án AVERP được thực hiện với cơ chế rất minh bạch, giúp chúng tôi triển khai thành công gói công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp và đến nay đã tạo cho bà con nông dân ở Thái Bình sự tự giác áp dụng công nghệ kể cả khi dự án kết thúc. Chúng tôi cam kết tất cả các điểm trồng lúa của ThaiBinh Seed trên toàn quốc sẽ tiếp tục triển khai gói công nghệ tham gia dự án, đồng thời sẽ lan tỏa những phương thức tiên tiến này đến những vùng sản xuất lúa trọng điểm trên cả nước với mong muốn góp phần quan trọng giảm khí thải nhà kính trong sản xuất lúa tại Việt Nam.

Thời gian tới, ThaiBinh Seed sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu, quản trị nhằm tạo ra những giống cây trồng tốt nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường liên kết để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình, người đứng đầu ThaiBinh Seed đang hướng tới phát triển loại gạo mang tầm cỡ quốc tế; bằng các sản phẩm: gạo Niêu Vàng, gạo A Sào, gạo lứt tím... phát triển ngành gạo sạch Thái Bình đứng đầu cả nước.

Ngân Huyền