Thứ 7, 09/11/2024, 22:38[GMT+7]

ThaiBinh Seed: “chung thủy”với lúa thuần vì lợi ích của nông dân

Thứ 2, 22/11/2021 | 09:04:29
3,513 lượt xem
Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) đã không ngừng nghiên cứu, chọn tạo và đưa ra thị trường nhiều giống lúa thuần mới có những ưu điểm vượt trội đến với bà con nông dân. Bắt đầu từ các mô hình khảo nghiệm, trình diễn cho đến sản xuất đại trà, các giống lúa của ThaiBinh Seed luôn thể hiện được những kết quả khả quan khiến ai bén duyên cũng phải “mê mẩn”.

Giống lúa thuần TBR97 của ThaiBinh Seed tạo hiệu ứng tích cực với nhiều địa phương.

Từ một doanh nghiệp cung ứng giống lúa, ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên được công nhận ở Thái Bình, thành lập Viện Nghiên cứu cây trồng quy mô hơn 150ha. Từ đây đã nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều giống cây trồng chất lượng cao, góp phần cùng nông dân đón những mùa vàng. Đây cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng, nhượng quyền và bảo vệ thành công thương hiệu giống lúa thuần TBR-1, làm tiền đề hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng hiện nay. 

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ThaiBinh Seed chia sẻ: Thái Bình được biết đến là một tỉnh sản xuất lúa nổi tiếng với danh hiệu “quê lúa”, “quê hương 5 tấn”. Từ lâu, tôi luôn trăn trở, đã là người Thái Bình thì phải xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình. Trong một lần đi thăm đồng vào năm 2003, tôi chợt phát hiện ra một dòng đột biến của giống Q5, đây là đột biến tự nhiên chứ không phải do con người. Tôi phát hiện ra trong tập đoàn Q5 gieo cấy ở miền Bắc này có một điểm khác thường, đó là cây cao hơn, hạt xếp sát nhau, dạng tròn. Tôi chợt lóe lên suy nghĩ đây rất có thể là tiềm năng cho một giống lúa riêng của Thái Bình. Biến suy nghĩ thành hành động, tôi và đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu, chọn lọc rồi đem khảo nghiệm. Từ kết quả khả quan ban đầu, chúng tôi tiếp tục chọn lọc hoàn chỉnh, đặt tên là giống TBR-1 (TB viết tắt của Thái Bình; còn R là chữ đầu của từ tiếng anh rice, nghĩa là lúa; số 1 mang ý nghĩa là giống lúa đầu tiên của Thái Bình). Năm 2007, TBR-1 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống lúa quốc gia; đây cũng là giống lúa được công nhận, bảo hộ bản quyền đầu tiên trong các giống lúa thuần. Giờ thì TBR-1 đã trở thành giống chủ lực ở rất nhiều địa phương.

Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, ThaiBinh Seed lựa chọn nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng các giống lúa thuần. Đây là “con đường” nhiều chông gai, đòi hỏi nhiều trí tuệ, công sức, thời gian, sự kiên nhẫn và rủi ro cao. Bởi từ khi bắt đầu nghiên cứu một giống lúa mới cho đến lúc đưa đi khảo nghiệm và sản xuất, nhanh cũng phải 6 năm, chậm thì hơn 10 năm, có khi còn lâu hơn nữa mới chọn được dòng thuần. Và trước khi đưa vào sản xuất đại trà, giống lúa đó còn phải được đưa đi khảo nghiệm ở các vùng sinh thái khác nhau cho đến khi đáp ứng được những yêu cầu phù hợp. “Lúa thuần và lúa lai khác nhau ở chỗ: lúa thuần gieo cấy rồi có thể thu hoạch thóc dùng để làm giống cho vụ sau, ít nhất trong 2 vụ, nếu biết chọn lọc và bảo quản. 

Còn lúa lai, sau khi thu hoạch lấy thóc thương phẩm thì phải mua hạt giống khác để gieo cấy vụ sau. Nếu dùng lúa lai của vụ trước làm giống thì nó sẽ tự thụ phấn và phân ra cây cao, cây thấp, không đồng đều, năng suất giảm đi về mặt lý thuyết là 25%. Vì thế, lúa lai không để giống được. Đó là khác biệt căn bản giữa lúa lai và lúa thuần. Những đơn vị làm giống lúa lai thường lợi dụng điều này để ép nông dân phải mua giống của họ nếu muốn tiếp tục gieo trồng ở các vụ sau. Với các công ty không làm nghiên cứu, họ chỉ đầu tư kinh doanh đơn thuần thì họ sẽ lựa chọn lúa lai là điều dễ hiểu. Chúng tôi làm vì nông dân, cho nông dân nên không đặt vấn đề lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu” - người đứng đầu ThaiBinh Seed chia sẻ.

Không chỉ tại Thái Bình, các giống lúa của ThaiBinh Seed như TBR-1, TBR225, BC15 kháng đạo ôn, TBR97... đã và đang trở thành giống chủ lực trong cơ cấu giống, làm “thay da đổi thịt” nhiều địa phương, vùng miền, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Viện Nghiên cứu cây trồng của ThaiBinh Seed diện tích 152ha mỗi năm nghiên cứu hàng trăm giống lúa

Ngân Huyền