Thứ 7, 09/11/2024, 22:07[GMT+7]

Người “Đối thoại với cánh đồng” (Kỳ 1)

Thứ 5, 12/03/2020 | 09:40:21
5,627 lượt xem
Ở “Quê hương năm tấn” có một thương binh, đảng viên, doanh nhân, một “nông dân mới” - ông là Trần Mạnh Báo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Một đời gắn bó với cây lúa, ông đã góp phần làm nên những kỳ tích trên ruộng đồng.

Tham quan giống ngô mới của ThaiBinh Seed.

Kỳ 1: Tuổi thơ và chiến trường

Cho đến bây giờ, trong tâm khảm của ông Trần Mạnh Báo vẫn đầy ắp ký ức về tuổi thơ và những năm tháng chiến đấu trên chiến trường ác liệt.

Ước mơ trên cánh đồng

Tôi may mắn khi được nhiều lần theo chân ông trên những cánh đồng, được nghe ông kể về cái thời xa xưa, về những kỷ niệm với ruộng đồng. Một lần, tôi theo đoàn công tác của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed về huyện Thái Thụy dự cuộc đối thoại giữa ông Trần Mạnh Báo cùng các bạn trẻ. Buổi trò chuyện diễn ra trong không khí đầy xúc động khi các bạn trẻ được nghe ông kể về những tháng ngày tuổi thơ của mình và những ngày khởi nghiệp đầy gian nan, thử thách. Buổi trò chuyện của ông đã gây ấn tượng mạnh và góp phần “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay trên bước đường khởi nghiệp. Ông kể: Sinh ra trong một gia đình mà cái nghèo đeo đẳng, tôi hiểu hơn ai hết nỗi cơ hàn của người nông dân. Quê tôi nằm ở ven biển của huyện Thái Thụy, xã đã nghèo, đất canh tác lại ít, chủ yếu là đất cát nên người dân chủ yếu trông chờ vào biển. Là con cả trong số 10 anh em nên mới 7 tuổi tôi đã phải nai lưng bế em và cái cối xay, cối giã gạo bám riết tôi ở tuổi vàng, tuổi ngọc. Trong thế giới tuổi thơ của mình, ông Báo còn in đậm những lần đi kiếm cá, bắt tôm. Ông nhớ nhất lần đầu tiên biết mùi bão biển trong đêm tối khi đi biển đun te để lúc may mắn vào được đến bờ thì trời đã sáng và ở cách nhà hơn 2km. Ông chia sẻ: Cũng từ lần gặp bão giữa đêm đó, trong tôi đã có suy nghĩ khác và tôi đã nói với bố: “Đây có lẽ không phải nghề phù hợp với con. Con phải tìm một nghề khác để mưu sinh thôi bố ạ”.  Không biết có phải vì ý nghĩ đó hay do cuộc sống có nhiều đổi thay hay cũng do tình yêu thiết tha với đồng ruộng mà từ đó cho mãi đến sau này, ông Báo đã thực hiện đúng lời đã nói với bố mình năm xưa.

Vất vả là vậy, song tuổi thơ của ông cũng đầy ắp những niềm vui và ước mơ. Ông kể: Niềm vui sướng nhất của tôi đó là mỗi sáng sớm từ giường nhảy xuống chạy ra biển đón bình minh, đón những làn gió, những tia nắng đầu tiên trong ngày và hít đầy lồng ngực không khí có mùi ngai ngái, mặn mòi của biển. Lúc ấy, tôi thường tự hỏi “Biển rộng đến đâu” và ước mơ đến một ngày mình được đi hết mọi góc biển chân trời để được thấy, được khám phá những vùng đất lạ. Thán phục trước ý chí của ông, bạn Nguyễn Văn Xứng, xã Thái Thượng (Thái Thụy) cho biết: Khi nghe ông chia sẻ, nhiều người trẻ trong đó có tôi thực sự khâm phục trước một thanh niên, một người lính đi qua cuộc chiến tranh với nhiều thương tật mà niềm đam mê, khát vọng không bị lụi tàn. Cuộc đời của ông chính là một minh chứng cho chúng tôi thấy sự dám nghĩ, dám làm, có đam mê, ý chí, có sáng tạo sẽ đạt được thành công. Ông đã truyền lửa để chúng tôi có thêm quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.

Vùng khảo nghiệm giống lúa mới của ThaiBinh Seed.

Đến chiến trường gian khổ

Không chỉ nhớ về tuổi thơ gian khó, ông còn không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông bảo, cái thời đó, tuổi của ông ai cũng muốn đi chiến đấu bảo vệ quê hương. Và 15 tuổi, ông tham gia dân quân tự vệ ở địa phương, được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, rồi được cầm súng tham gia những trận đánh với “giặc trời” khi mới đang học lớp 6 trường làng. Học lớp 8 được hơn 1 tháng, ông nhận giấy báo đi khám sức khỏe để nhập ngũ và trúng tuyển. Năm 1968, tạm biệt làng quê nghèo ven biển, người thanh niên Trần Mạnh Báo khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Được biên chế vào Tiểu đoàn bộ của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, ông được huấn luyện chiến đấu trong rừng núi. Hết học lăn lê bò toài, trèo đánh xe tăng, rồi lại học ngắm bắn súng. Huấn luyện xong, đơn vị của ông được điều động trở lại giới tuyến 17. Sau những ngày chiến đấu ở nơi rừng thẳm, ông được rút về tiểu đoàn bộ và tiếp tục cuộc hành quân trèo đèo, lội suối sang Campuchia, sống trong cảnh nắng bỏng rát, mưa như trút nước, rồi nào muỗi, nào vắt, nào ve để tham chiến giải phóng 6 tỉnh miền Nam của đất nước Chùa Tháp và 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trên chiến trường ác liệt, ông cùng đồng đội xông pha chiến đấu. Hết sốt rét lại bị thương song ông đã cùng đồng đội vượt qua tất cả, góp phần viết nên những chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc. Và một điều trân quý ở ông là trong những tháng năm nếm mật nằm gai, người lính ấy vẫn cháy bỏng ước mơ tuổi thơ năm nào - ước mơ một ngày giúp đỡ được người nông dân và thỏa niềm đam mê với cây trồng, với đồng ruộng quê hương. Ước mơ ấy được nuôi dưỡng nơi chiến trường ác liệt đã thôi thúc ông sau chiến thắng năm 1975 quyết tâm theo đuổi con đường học hành, trở thành một kỹ sư nông nghiệp và gắn bó trọn đời.

Mai Thư 

(còn nữa)