Thứ 4, 13/11/2024, 05:23[GMT+7]

Nơi gìn giữ cội nguồn và bản sắc dân tộc Việt Nam tại Nhật Bản

Thứ 7, 05/10/2024 | 12:43:58
601 lượt xem
Trường Việt ngữ Cây Tre được thành lập tại thành phố Higashi Osaka với mục tiêu tạo dựng sự kết nối, trao truyền bản sắc văn hóa, cội nguồn và tình yêu quê hương cho các thế hệ kiều bào trẻ.

Học sinh của trường Việt ngữ Cây Tre sử dụng giáo trình tiếng Việt. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12), công tác bảo tồn, lan tỏa và trao truyền tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của dân tộc đang được triển khai mạnh mẽ nhằm khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước và nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ kiều bào trẻ.

Tại thành phố Higashi Osaka của Nhật Bản, cùng với những nỗ lực của cộng đồng người Việt và sự hỗ trợ cả từ Nhật Bản và Việt Nam, một ngôi trường chuyên dạy tiếng Việt cho con em người Việt đã được thành lập.

Với mục tiêu tạo dựng sự kết nối và trao truyền bản sắc văn hóa, cội nguồn cũng như tình yêu quê hương-đất nước cho các thế hệ kiều bào trẻ, trường Việt ngữ Cây Tre đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Trường Việt ngữ Cây Tre thành lập vào ngày 18/8. Chị Lê Thương, Hiệu trưởng trường, đồng thời là Chủ tịch hội người Việt Nam vùng Kansai, chia sẻ trước đây chị cùng với một số người Việt tại Nhật Bản đã tổ chức một số lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản, nhưng không có nhiều học sinh theo học.

Từ chủ trương của Đảng được nêu rõ trong Kết luận 12 về việc “Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam,” hoạt động dạy tiếng Việt tại Osaka đã có sự khởi sắc với việc thành lập trường Việt ngữ Cây Tre.

Chị Lê Thương cho biết nguồn động lực để thành lập trường Việt ngữ Cây Tre là những sự hỗ trợ đến từ cả Việt Nam và Nhật Bản như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka; Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài; Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Giáo sư Shimizu Masaaki, Trưởng bộ môn Tiếng Việt-Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka và các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong khóa học đầu tiên, trường tuyển sinh được 40 học sinh tham gia lớp học trực tiếp tại thành phố Higashi Osaka và 100 học sinh tham gia 5 lớp học trực tuyến.

Các lớp học được tổ chức vào thứ Bảy hằng tuần với 14 giáo viên tham gia giảng dạy lớp học trực tiếp và 10 giáo viên phụ trách lớp trực tuyến.

Các giáo viên phụ trách lớp học trực tiếp đều là tình nguyện viên, trong đó có một giáo viên đã có 10 năm kinh nghiệm dạy tiểu học tại Việt Nam.

Trong số 14 tình nguyện viên phụ trách lớp học trực tiếp, cô Ngô Thị Dần đảm nhận dạy chữ và các tình nguyện viên còn lại sẽ thực hiện các vai trò trợ giảng, dạy múa, dạy hát, kể chuyện.

Hiệu trưởng Lê Thương cũng tham gia vào việc trợ giảng cho các lớp trực tiếp tại Higashi Osaka.

Trong một buổi học trực tiếp của trường Việt ngữ Cây Tre tại thành phố Higashi Osaka vào một chiều thứ Bảy, sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt của các em khi được cô giáo hướng dẫn đọc tiếng Việt.

Với chủ trương để các bé khởi đầu sự tiếp cận tiếng Việt bằng tình yêu Tổ quốc, bằng văn hóa và bằng nguồn cội, các giáo viên của trường Việt ngữ Cây Tre còn chú trọng đến việc dạy cho các em những bài hát, điệu múa và kể những câu chuyện về quê hương.

Khi vừa nhìn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong tay cô giáo, các bé ngay lập tức đồng thanh “lá cờ.” Các bé vừa đánh vần chữ “lá cờ,” vừa háo hức vẫy lá cờ đỏ sao vàng một cách tự hào.

Phương Anh là một bé gái mới 3 tuổi nhưng đã tham gia học tiếng Việt. Bé xung phong hát bài “Đi học” với ánh mắt lấp lánh và nụ cười rạng rỡ.

Không chỉ là ngôi trường dạy tiếng Việt, những người thành lập trường Việt ngữ Cây Tre còn hướng đến mục tiêu đưa nơi này trở thành một địa điểm văn hóa của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Thúc đẩy xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt ở nước ngoài là một nội dung hành động trong Kết luận 12. Chính vì vậy, cùng với việc tạo một môi trường giao tiếp tiếng Việt tích cực cho những trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, trường Việt ngữ Cây Tre còn là nơi diễn ra những hoạt động cộng đồng hướng về Tổ quốc.

Tại đây, có những giờ phút những người con Việt Nam xa xứ cùng trang nghiêm cất tiếng hát Quốc ca hướng về lá cờ đỏ sao vàng và có những giờ phút mọi người cùng chung tay góp sức ủng hộ đồng bào trong nước bị thiệt hại do cơn bão số 3…

Chị Lê Thương xúc động chia sẻ rằng để có được ngôi trường Việt ngữ Cây Tre như ngày hôm nay, không thể không kể đến vô vàn sự giúp sức quý báu.

Học sinh của trường Việt ngữ Cây Tre sử dụng giáo trình tiếng Việt. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Đó là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ giáo trình giảng dạy; Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ giáo viên dạy lớp trực tuyến; Giáo sư Shimizu, Đại học Osaka, cố vấn cách giảng dạy và hỗ trợ xuất bản giáo trình lịch sử Việt Nam song ngữ Việt-Nhật dành cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka thường xuyên động viên, giới thiệu các cá nhân, tổ chức để có thể ủng hộ cho lớp học và hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản như Leximco, Kaisen, Yamanashi, Ena homes, Dosin, Hongo đã hỗ trợ tài chính để thuê địa điểm và dụng cụ phục vụ cho công việc giảng dạy.

Mong muốn về một ngôi trường Việt ngữ ngay tại Nhật Bản đã thành hiện thực nhưng Hiệu trưởng Lê Thương và những người đồng hành biết rằng duy trì và phát triển ngôi trường này còn là một thử thách lớn hơn.

Chị Lê Thương kể có những phụ huynh phải rất nỗ lực trong việc đảm bảo đều đặn hằng tuần đưa con đi học do nơi ở cách khá xa nơi học. Không chỉ vậy, việc không có giáo trình chuyên biệt dạy cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài cũng là một trở ngại cho giáo viên khi truyền tải kiến thức.

Cô Dần, giáo viên chính của trường, vẫn sử dụng giáo trình trong nước. Tuy nhiên, cô thừa nhận mặc dù các bé có thể hiểu khi nhìn vào tranh vẽ trong sách nhưng rất khó giải thích và khó đọc do giáo trình trong nước dành cho những đứa trẻ lớn lên trong môi trường tiếng Việt trong khi các bé ở đây lớn lên trong môi trường tiếng Nhật.

Cô giáo Ngô Thị Dần tâm sự mặc dù có kinh nghiệm 10 năm dạy tiểu học tại Việt Nam nhưng cô cũng gặp thử thách khi giảng dạy vì ngôn ngữ chính của các cháu là tiếng Nhật. Điều này đòi hỏi giáo viên cần phải có trình độ, năng lực tiếng Nhật nhất định.

Bé Phương Anh, 3 tuổi, xung phong hát bài “Đi học”. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Theo chị Lê Thương, trường có học sinh trên khắp nước Nhật, trong đó có một học sinh ở tỉnh Okinawa, cực Nam của Nhật Bản. Điều đó thể hiện nhu cầu duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ trong các gia đình Việt Nam tại Nhật Bản là rất lớn.

Với sự hưởng ứng của cộng đồng, chị Thương mong muốn ngôi trường Việt ngữ tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn, mở đường cho việc xây dựng trung tâm văn hóa cho người Việt Nam tại Nhật Bản, tạo sự kết nối để tăng cường tinh thần đoàn kết và thể hiện vị thế của cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản.

Kết luận 12 đã chỉ rõ “khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”

“Con thích học tiếng Việt” là lời khẳng định rất rõ ràng bằng tiếng Việt của các bé đang theo học lớp tiếng Việt trực tiếp tại thành phố Higashi Osaka. Tình yêu thuần khiết, sự gắn bó dành cho quê hương đang được gieo mầm từ những giờ học tiếng Việt tại trường Việt ngữ Cây tre./.

Theo Baocaovien.vn