Thứ 4, 13/11/2024, 06:59[GMT+7]

Tái đàn vật nuôi phục vụ thị trường cuối năm

Thứ 2, 07/10/2024 | 21:49:01
906 lượt xem
Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Thái Thụy tích cực tái đàn, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kỳ vọng vào thời điểm vàng tiêu thụ lớn nhất năm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Trường, thôn Đông Hưng, xã Sơn Hà (Thái Thụy) có 9.000 con gà xuất bán dịp cuối năm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Trường, thôn Đông Hưng, xã Sơn Hà là 1 trong 3 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn ở địa phương với tổng đàn hơn 6.000 con/ lứa. Trong đợt bão số 3 vừa qua, trang trại bị ngập lụt, tốc mái 1 dãy chuồng khiến hơn 1.000 con gà bị chết, thiệt hại gần 200 triệu đồng. 

Anh Trường chia sẻ: Khẩn trương khắc phục thiệt hại khôi phục sản xuất sau bão số 3, sau khi hoàn thành sửa chữa và vệ sinh hệ thống chuồng trại, tôi đã tăng đàn thêm 3.000 con gà để kịp xuất bán dịp cuối năm. So với thời điểm tháng 10/2023, giá thức ăn chăn nuôi giảm hơn 40.000 đồng/bao cám, mặt khác giá bán gà thịt 75.000 đồng/kg nên mỗi con gà xuất bán thu lãi trung bình 15.000 - 20.000 đồng, đây là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực để tôi và các trang trại khác đầu tư. Tôi dự tính nếu chăn nuôi thuận lợi đến tết Nguyên đán sẽ xuất bán được hơn 20 tấn gà với giá trung bình 80.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hà cho biết: Hiện xã có 6 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô hơn 6.000 con/lứa, 15 gia trại duy trì 2.000 con/lứa. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm được kiểm soát, giá bán tương đối ổn định từ 65.000 - 70.000 đồng/kg gà thương phẩm nên các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn. Dự kiến các hộ chăn nuôi xã Sơn Hà có thể cung cấp hơn 60.000 con gia cầm trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chúng tôi đã tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi kiểm soát tốt con giống, dịch bệnh để giữ vững ổn định sản xuất. 

Tại xã Dương Hồng Thủy, thời điểm này người chăn nuôi cũng tái đàn phục vụ thị trường dịp cuối năm. Ông Vũ Văn Tuấn, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở địa phương cho biết: Tôi vừa xuất bán hơn 6 tấn lợn hơi với giá 67.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 75 triệu đồng. Năm nay giá lợn hơi tăng hơn năm ngoái, giá cám giảm 20.000 - 30.000 đồng/bao nên người chăn nuôi có lãi, trung bình tôi lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Tôi tin rằng giá lợn hơi thời gian tới còn tiếp tục tăng, thậm chí sang tháng sau có thể lên tới khoảng 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tăng chủ yếu do khan hiếm nguồn cung. Khoảng cuối năm nay trở đi đến năm sau, gia đình tôi sẽ có lợn thịt bán đều do tôi chủ động sản xuất được con giống. Đón thị trường dịp cuối năm, tôi đã tái đàn hơn 100 con lợn thịt. Trong chăn nuôi, tôi chú trọng kiểm soát phòng, trừ dịch bệnh; chỉ sử dụng thức ăn từ những nhà sản xuất có uy tín, không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh, thịt ngon, thơm được các thương lái ưa thích. 

Bà Lê Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy cho biết: Tính đến tháng 9/2024, toàn huyện có hơn 84.000 con lợn; gần 4.000 con trâu, bò, dê; hơn 600.000 con gà, gần 500.000 con thủy cầm. So với cùng kỳ năm trước, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhẹ. Tình hình kiểm soát dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm ở huyện đang được thực hiện hiệu quả, 80% tổng đàn đã thực hiện tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ, kèm các đợt không khí lạnh nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi, dẫn đến sức đề kháng kém, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh. Để bảo đảm tái đàn mang lại hiệu quả cao, Trạm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các xã, thị trấn về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, cách thức tiến hành vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường tại các cơ sở đạt hiệu quả; hướng dẫn những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như nhập con giống rõ nguồn gốc; không nên tăng đàn ồ ạt, thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi; khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng. 

 Hộ chăn nuôi thực hiện khử trùng khu vực chuồng trại. 

Nguyễn Thắm