Quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế còn nhiều khó khăn
Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ, THA điều trị tại trạm y tế thấp
Trước đây, số lượng bệnh nhân ĐTĐ được Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chuyển về quản lý, điều trị tại Trạm Y tế xã Đông Sơn (Đông Hưng) là hơn 120 bệnh nhân thì nay lượng bệnh nhân chỉ còn khoảng 15 bệnh nhân/tháng.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Mai, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Việc cấp thuốc hàng tháng cho khoảng 15 bệnh nhân ĐTĐ và 80 bệnh nhân THA vẫn được Trạm duy trì thực hiện hàng tháng. Nhân lực của Trạm cũng bảo đảm cho việc quản lý, điều trị người bệnh ĐTĐ, THA. Tuy nhiên, so với trước kia số lượng bệnh nhân ĐTĐ điều trị giảm nhiều. Trong quá trình quản lý, điều trị bệnh nhân, còn gặp một số khó khăn như thuốc hạn chế về số lượng, chủng loại. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bệnh nhân mất nhiều thời gian, máy đo đường huyết phải test cùng chủng loại nên khi hết test khó mua; cơ sở vật chất của Trạm cũng đã xuống cấp. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thu hút người bệnh về điều trị.
Không chỉ ở Trạm Y tế xã Đông Sơn, số lượng bệnh nhân ĐTĐ, THA được quản lý, điều trị ở các trạm y tế hiện nay đều thấp dù 10 bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đã được chỉ định chuyển bệnh nhân ĐTĐ, THA về trạm y tế.
Theo thống kê của ngành tế, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân được chuyển về rất thấp, có năm có bệnh viện không chuyển được bệnh nhân mới về trạm y tế, có bệnh viện cũng chỉ chuyển được 5 - 10 bệnh nhân/năm. Số lượng bệnh nhân chuyển điều trị từ các bệnh viện về thấp khiến 42 trạm y tế thực hiện mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm cũng không có nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc thu hút hoặc duy trì bệnh nhân điều trị tại trạm sau khi được chuyển về từ bệnh viện còn hạn chế. Tỷ lệ bệnh nhân duy trì điều trị bệnh THA tại trạm đạt 95% và bệnh ĐTĐ chỉ đạt hơn 28%.
Nguyên nhân vì đâu?
Theo phân tích của cán bộ bệnh viện, trung tâm y tế và trạm y tế nhiều xã, phường, thị trấn tại hội nghị tăng cường triển khai quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, số lượng bệnh nhân ĐTĐ, THA quản lý, điều trị tại trạm y tế giảm so với nhiều năm trước do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị, nguồn thuốc hạn chế và tâm lý người bệnh...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy chia sẻ: Trên địa bàn huyện có 5 xã triển khai thực hiện mô hình quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ, THA. Công tác điều trị bệnh ĐTĐ, THA tại trạm còn gặp khó khăn, số lượng thuốc cấp còn ít, hạn chế về số lượng, chủng loại... Bên cạnh đó, thiếu kinh phí để thực hiện công tác truyền thông, triển khai khám sàng lọc tại cộng đồng.
Ngoài khó khăn về thuốc, nhiều nguyên nhân khác cũng được chỉ ra như: Một số trạm chưa có bác sĩ, nhân lực phụ trách chương trình biến động, chưa được cập nhật kiến thức thường xuyên; máy xét nghiệm đường huyết, huyết áp điện tử trước đây được cấp từ các dự án song qua thời gian dài sử dụng nhiều máy đã hỏng, hoặc có máy lại không có test, trong khi máy và test phải đồng bộ mới có thể xét nghiệm; cơ sở vật chất một số trạm đã xuống cấp. Ngoài ra, nhiều người dân có tâm lý muốn khám ở các bệnh viện tuyến trên thay vì đến trạm y tế xã, phường, thị trấn.
ĐTĐ và THA là bệnh không lây nhiễm, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh. Việc triển khai quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế giúp người bệnh giảm chi phí đi lại, dễ dàng tiếp cận dịch vụ và theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của bản thân ngay tại địa phương. Vì thế, ngành y tế đã xây dựng dự thảo kế hoạch mở rộng điều trị bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50% trạm y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, cấp thuốc điều trị THA và ĐTĐ; 95% số trạm thực hiện dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị THA, ĐTĐ và các bệnh không lây nhiễm khác theo quy định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần phải tháo gỡ những khó khăn hiện nay, từ đó mới có thể mở rộng việc điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế xã.
Toàn tỉnh có 42 trạm y tế thực hiện mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024