Thứ 4, 13/11/2024, 06:46[GMT+7]

Kiểm soát dịch sốt xuất huyết: Cần quyết liệt từ cơ sở

Thứ 2, 14/10/2024 | 08:59:07
4,509 lượt xem
Sau mưa, lũ, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh gia tăng. Một số địa phương đã xuất hiện các ổ dịch với ca mắc thứ phát. Nguy cơ lây lan dịch bệnh SXH tại cộng đồng có thể xảy ra nếu không quyết liệt ngay từ cơ sở.

Người dân xã Bách Thuận được tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống sốt xuất huyết.

Xuất hiện một số ổ dịch có ca mắc thứ phát 

Từ ngày 1/1 - 4/10, xã Bách Thuận (Vũ Thư) ghi nhận 10 ca mắc SXH nội sinh và 1 ca ngoại sinh, trong đó chỉ riêng từ cuối tháng 8 đến ngày 4/10, số ca mắc đã là 8 ca. Các ca mắc chủ yếu tập trung ở thôn Tiền Phong và rải rác ở thôn Liên Hồng, Bách Tính. Một số ổ dịch SXH đã ghi nhận ca mắc thứ phát. Ổ dịch ghi nhận số ca mắc cao nhất là 4 người. 

Bác sĩ Trần Xuân Hòa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bách Thuận cho biết: Sau mưa, lũ, một số nơi trên địa bàn thôn bị ngập. Do đặc thù địa hình thổ mô, diện tích các nhà rộng, dân cư chủ yếu trồng cây cảnh, dược liệu, cây thu lá nên um tùm, có nước đọng. Thêm vào đó, nhiều nhà chăn nuôi. Vì thế, trong đợt mưa, lũ vừa qua, khi ngập lụt, nước phân lợn kèm theo xác động vật chết, cây lá thối rữa gây ô nhiễm môi trường. Ở một số gia đình còn có dụng cụ phế thải chưa được thu gom triệt để; không có nơi thu gom rác thải tập trung mà rác của gia đình phải tự xử lý… Những yếu tố này có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc SXH trên địa bàn gia tăng. 

Tại xã Tân Hòa (Vũ Thư), tính từ đầu năm đến ngày 7/10, trên địa bàn xã cũng ghi nhận 14 ca mắc SXH, trong đó có 12 ca mắc SXH nội sinh. Đây là năm địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất từ trước đến nay. Ổ dịch có nhiều ca mắc nhất là 4 ca ở thôn Thọ Bi, trong đó 3 ca ở 1 gia đình và 1 ca là hàng xóm. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 7/10, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh là 767 ca, trong đó số ca SXH nội sinh là 498 ca. Một số địa phương trên địa bàn thành phố Thái Bình ghi nhận số ca mắc cao như: phường Tiền Phong, Bồ Xuyên, Kỳ Bá, xã Phú Xuân, Đông Hòa… Đáng lưu ý, có tuần đã ghi nhận tới 45 ca mắc SXH. Sự gia tăng số ca mắc SXH nội sinh trong thời điểm vừa qua làm tăng mối lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh bởi mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. 

Tính từ đầu năm đến ngày 7/10, xã Tân Hòa (Vũ Thư) đã ghi nhận 14 ca mắc sốt xuất huyết. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế xã và người dân lật úp dụng cụ chứa nước đọng không cho bọ gậy phát triển.

Chủ động, quyết liệt từ mỗi gia đình, thôn, xã 

Trước diễn biến dịch bệnh, ngay khi có thông tin về ca mắc SXH, tiểu ban phòng, chống dịch của thôn Tiền Phong, xã Bách Thuận đã họp, đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Trịnh Văn Đảng, nhân viên y tế thôn Tiền Phong chia sẻ: Cùng với việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, chúng tôi đã đi từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn thu gom rác thải, lật úp dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường. Sau khi bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, chúng tôi mới phát cloramin B và tổ chức phun thuốc muỗi ở các gia đình có ca mắc và các hộ có nguy cơ cao… Để phòng, chống dịch bệnh SXH, một số hộ dân cũng chủ động tự mua cloramin B, thuốc muỗi về phun. 

Bà Đặng Thị Hằng, thôn Tiền Phong cho biết: Gần nhà có ca bệnh SXH, chúng tôi cũng lo. Vì thế, ngay khi được tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh môi trường, gia đình đã tiến hành thu gom rác thải, lật úp dụng cụ chứa nước đọng và phun thuốc muỗi. Chúng tôi nhận thấy, việc thu gom rác thải, lật úp dụng cụ chứa nước đọng mới là cách phòng, chống bệnh SXH hiệu quả vì sẽ tiêu diệt môi trường sống của bọ gậy, không có bọ gậy sẽ không có muỗi, SXH. Phun thuốc chỉ là giải pháp tạm thời.

Tại xã Tân Hòa, ngay khi có thông tin về ca mắc SXH, công tác điều tra, giám sát dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh, vệ sinh môi trường… đã nhanh chóng được thực hiện. 

Điều dưỡng Đỗ Thị Dung, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Hòa chia sẻ: Các ca mắc SXH rải rác ở thôn Tường An, Đại Đồng, Thọ Bi. Khi có thông tin về ca mắc, các biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai. 2 ngày/lần, cán bộ trạm và y tế thôn xuống giám sát công tác vệ sinh môi trường, nắm bắt tình hình dịch bệnh tại hộ có ca mắc và 30 hộ xung quanh. Tuy nhiên, việc triển khai phòng, chống SXH còn khó khăn do một số gia đình còn chủ quan, lơ là, chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; thời tiết mưa nắng thất thường, có thời điểm mưa dài ngày… là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. 

Qua giám sát của ngành y tế cho thấy, mầm bệnh SXH đã lưu hành trong cộng đồng. Thêm vào đó, môi trường có nhiều yếu tố thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển; một số địa phương còn chủ quan, chưa thường xuyên tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch… Hiện nay là thời gian cao điểm của dịch bệnh SXH cùng với đợt mưa, bão vừa qua làm tăng nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng, bùng phát; gia tăng số ca mắc ở ổ dịch cũ và xuất hiện ổ dịch mới nếu không làm tốt công tác vệ sinh môi trường và xử lý ổ dịch kịp thời. Do đó, việc chủ động, quyết liệt ngay từ cơ sở có vai trò rất quan trọng. 

Hoàng Lanh