Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Ký ức về "một thời để nhớ" của nhà báo lão thành trong lần trở lại La Habana

Thứ 3, 15/10/2024 | 10:00:09
835 lượt xem
Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ tình cảm với đất nước và con người Cuba của "lớp chúng tôi" rất sâu nặng, hàng ngàn người Việt đã có những kỷ niệm trên vùng đất Caribe như "một thời để nhớ trong đời."

Hoàng hôn trên pháo đài cổ. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/Vietnam+)

Trở lại La Habana vào tháng Chín vừa qua, những ký ức và tình cảm sâu nặng với quốc đảo vùng Caribe lại dâng trào trong tâm trí nhà báo lão thành Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông:

"Chúng tôi thăm La Habana trong một chuyến đi không định trước. Mọi việc được quyết định rất nhanh, vì hình như mong mỏi đó có sẵn ở trong mỗi người rồi. Với lớp chúng tôi, tình cảm với đất nước và con người Cuba rất sâu nặng.

Từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, câu nói của chủ tịch Fidel Castro 'Vì Việt Nam chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình' là một điểm tựa tinh thần vô cùng quý giá với người Việt Nam.

Những năm đầu sau chiến tranh, tôi từng đi trên con đường Cuba làm ở Hà Tây cũ với chất lượng tuyệt vời, từng viết về trại bò Bò giống Ba Vì do Cuba giúp để phát triển đàn bò sữa, thăm bệnh viện Việt Nam-Cuba ở Đồng Hới với những thiết bị hiện đại vào thời điểm ấy.

Tôi nhớ khi một lần đến bệnh viện đầu những năm 80, tôi đã ghi lại hình ảnh nữ bác sỹ Cuba da đen nâng trên tay em bé sơ sinh Việt Nam từ trong lồng ấp - một hình ảnh đẹp còn lưu trong ký ức của tôi.

Những người lính ở pháo đài cổ. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/Vietnam+)

Năm 1973, trên mảnh đất Quảng Trị mà tôi có nhiều gắn bó, lửa khói chiến tranh chưa dứt, Chủ tịch Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên có mặt. Một câu chuyện rất xúc động trong chuyến đi này.

Trên đất lửa Vĩnh Linh, đoàn xe ngang qua nơi mấy em bé chăn trâu trên đồng, dính bom bi còn sót lại bị thương, đang được cấp cứu. Chủ tịch Fidel đã yêu cầu dừng xe lại, xuống thăm các em và gia đình.

Sau này, khi về nước, Fidel vẫn gửi thuốc và quà cho các em. Tôi đã về Vĩnh Linh, gặp các em, viết lại câu chuyện thấm đẫm tình người này… Cùng các đồng nghiệp thăm lại Cuba lần thứ ba, những suy nghĩ, hình ảnh một thời trở về trong tôi.

La Habana đón chúng tôi bằng một vẻ đẹp cũ. Vũ Anh Tuấn, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, ngay trong chiều đầu tiên đã đưa chúng tôi thăm thành phố.

Con đường Malecon dọc theo bờ biển qua những khu phố cổ. Những công trình kiến trúc lâu đời đã làm nên vẻ đẹp riêng của La Habana. Chúng tôi đến pháo đài cổ, một địa chỉ quen thuộc. Buổi tối ngày thường vẫn rất đông khách tới đây. Các gian trưng bày về lịch sử pháo đài đang mở cửa.

Nhìn từ pháo đài, La Habana về đêm có vẻ đẹp huyền ảo. Điểm bắn súng thần công là nơi thu hút du khách nhiều nhất. Tiếng súng cầm canh ấy đã trở nên quen thuộc hàng thế kỷ nay, với thành phố này.

Lời chào của người bán hàng trong khu phố cổ. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/Vietnam+) 

Từ pháo đài, chúng tôi về một quán rượu tư nhân mới mở, khá đông khách trên đường Malecon. Những bản nhạc Mỹ Latinh tưng bừng với những giai điệu quen thuộc. Ly rượu Mojitior thơm hương bạc hà trên tay. Biển Cairibe dào dạt trong đêm. Một không gian gợi nhớ.

Tôi đã hai lần đến Cuba trước đây. Ngoài La Habana, tôi đã đến thành phố nghỉ mát Varadero , tỉnh Pinar del Rio , nơi cung cấp nguyên liệu làm nên cigar Cu Ba nổi tiếng… Ấn tượng thật khó quên.

Những bãi biển đẹp tuyệt vời. Những vùng quê yên tĩnh. Các chương trình biểu diễn của câu lạc bộ El Tropicana mang vẻ đẹp cổ điển, hơn một thế kỷ mà vẫn rất hấp dẫn. Những quán ăn nhỏ trong khu phố cổ ở La Habana đậm sắc màu văn hóa.

Tôi đã đến thăm nhà của nhà văn Ernest Hemingway và quán rượu La Terraza ở Cojimar, nơi nhà văn thường lui tới. Chính ở quán rượu ấy, những cuộc gặp gỡ, đi biển với ngư dân trong vùng đã tạo cảm hứng để nhà văn viết tác phẩm 'Ông già và biển cả' bất hủ.

Lần thứ ba thăm La Hababa, chúng tôi rất vui khi gặp ở đây những người bạn cũ: Đại sứ Fredesman Turro Gonzales, có tên tiếng Việt là Hùng, người đã học tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước và làm đại sứ Cuba tại Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ, và nhà báo Alberto Salazar, nguyên là Trưởng Phân xã Hãng Thông tấn Prensa Latina tại Hà Nội. Tình cảm của các anh với Việt Nam, với Hà Nội vẫn vẹn nguyên.

Nhà báo Lưu Việt Hùng và các đồng nghiệp ở cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại La Habana đã tổ chức buổi gặp rất ấm cúng. Những kỷ niệm một thời, những câu chuyện cũ cứ tự nhiên tràn về. Qua cuộc gặp, chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống và con người Cuba hiện nay.

Có mặt ở Cuba những ngày này, quan sát cuộc sống ở thành phố La Habana, chúng tôi hiểu thêm những khó khăn kinh tế mà đất nước và người dân Cuba đang trải qua.

Lệnh cấm vận bất công, vô lý của chính quyền Mỹ, trong đó có việc xếp Cuba vào 'danh sách các nước bảo trợ các hoạt động khủng bố' đã ngăn chặn rất nhiều khả năng phát triển, hợp tác của Cuba với các nước.

Nhiều nguồn đầu tư nước ngoài không thể vào Cuba do do lệnh cấm vận này. Trong đại dịch COVID-19, tình hình càng khó khăn hơn. Hoạt động du lịch, một lĩnh vực mang lại nguồn thu chính cho Cuba, suy giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, việc 'cập nhật mô hình phát triển,' đổi mới cơ chế kinh tế, tài chính dù đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, còn nhiều việc các bạn phải làm để có thể phát huy những tiềm năng của nền kinh tế, tiềm năng con người, tạo thêm những động lực nội tại cho quá trình phát triển.

Theo Văn phòng Thống kê và Thông tin Quốc gia (ONEI) Cuba, lạm phát hàng năm ở mức cao, thâm hụt tài chính năm nay có thể lên tới 18,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Phiên chợ Chủ Nhật ở La Habana. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/Vietnam+) 

Nhà nước đã cố gắng bảo đảm các nhu yếu phẩm chính thông qua hệ thống phân phối với mức giá ổn định.

Mặc dù vậy, lương trung bình của công nhân viên chức Cuba là 4.300 peso và lương hưu là 1.500 peso trở nên rất thấp khi đồng Peso mất giá (tỷ giá chợ đen ở La Habana là trên 300 Peso/USD khi chúng tôi có mặt ở đây).

Trong tình hình đó, nhiều biện pháp đã được Chính phủ triển khai nhằm cải thiện tình trước mắt và hướng đến những cải cách lâu dài; đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, khuyến khích tiết kiệm, phân phối của cải công bằng và hợp lý hơn, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ bảo đảm phân phối giỏ thực phẩm cơ bản được trợ cấp cho tất cả người dân, bảo đảm cung cấp các mặt hàng như gạo, càphê, đường, ngũ cốc và nhiều sản phẩm thiết yếu khác với giá ưu đãi thông qua hệ thống hơn 12.000 cửa hàng bán lẻ.

Về đầu tư, bên cạnh các yêu cầu khác, Chính phủ đã ưu tiên nguồn vốn dành cho phát triển du lịch, hướng đến mục tiêu tiêu thu hút khoảng 4,5 triệu lượt du khách là mức trước đại dịch COVID-19.

Chiến lược kinh tế-xã hội của Cuba đã có những thay đổi trong quan niệm, coi khu vực tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, có chính sách nhằm phát triển tối đa công nghiệp trong nước.

Khoảng 2.000 ngành nghề được mở ra cho các công ty tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đến nay, các khu vực kinh tế mới đã phát triển đáng kể với hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Các biện pháp đang triển khai sẽ tạo đà cho những cải cách sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Trò chuyện ở một quầy bán rau quả. (Ảnh: Tác giả cung cấp) 

Chúng tôi có cảm nhận có những nét tương đồng nào đó của tình hình Cuba hiện nay với thời kỳ bắt đầu công cuộc Đổi Mới ở Việt Nam những năm 80.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Cuba thêm nhiều dấu ấn quan trọng. Bên cạnh những đồng thuận, hợp tác trên các lĩnh vực khác, hai bên nhất trí đẩy mạnh và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, cùng nghiên cứu những phương thức hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, phát huy và tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba.

Trong chuyến thăm chính thức mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam trao tặng nhân dân Cuba anh em 10,000 tấn gạo, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Trung ương Đảng Cộng sản Cuba 500 máy tính. Các tổ chức khác ở Việt Nam cũng đã tặng thêm một số sản phẩm cho Cuba.

Việt Nam, cùng với Nga, Trung Quốc là những nước đã hỗ trợ Cuba cung ứng các sản phẩm thiết yếu cho người dân thông qua các đợt viện trợ và các điều kiện thương mại thuận lợi. Về hợp tác đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba với năm dự án đã triển khai.

Những xe hàng tư nhân trên phố. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/Vietnam+) 

Chúng tôi đã đến cửa hàng, các điểm phân phối và chợ ở La Habana, gặp gỡ với người dân để tìm hiểu tình hình. Đúng là hàng hóa khan hiếm, nhất là thịt và rau xanh, nhiều nơi người dân phải xếp hàng chờ mua.

Nguồn điện không ổn định, thiếu xăng dầu... Nhưng nhìn chung, hệ thống phân phối vẫn hoạt động khá ổn định, từ những điểm cung cấp bánh mỳ, gạo, nhu yếu phẩm của nhà nước đến các quầy của hợp tác xã, tư nhân.

Phiên chợ ngày Chủ Nhật theo truyền thống của thành phố vẫn rất đông đúc. Không có cảnh chen chúc, ồn ào, tất cả đều rất bình tĩnh theo một nếp sống có văn hóa. Mọi người hiểu rằng cần kiên nhẫn chia sẻ với nhà nước và với nhau trong hoàn cảnh hiện tại.

Những khó khăn rồi sẽ qua. Lòng yêu nước, sự tự tin, bản lĩnh văn hóa của mỗi con người, của một cộng đồng sẽ là những giá trị lâu bền và nâng bước vượt qua khó khăn. Đó là điều chúng tôi cảm nhận được.

Chúng tôi cũng đã thăm lại những nơi từng đến ở La Habana. Cùng nhà báo Lưu Vạn Kha, chúng tôi trở lại nơi anh đã sống những ngày đặt chân đến hòn đảo này gần 60 năm trước: Trường Đại học Tổng hợp La Habana, nơi anh theo học, các ký túc xá sinh viên, cánh rừng nơi anh và chị Nguyễn Thị Chinh, người bạn đời của anh, đã có những buổi hẹn hò đầu tiên…

Ở quán La Terreza. (Nguồn: Trần Mai Hưởng/Vietnam+) 

Hàng ngàn người Việt Nam đã có những kỷ niệm trên đất nước này như nhà báo Lưu Vạn Kha, một thời để nhớ trong cuộc đời.

Chúng tôi đã thăm khu phố cổ ở trung tâm La Habana, nơi có nhà thờ, quảng trường, những ngôi nhà, quán ăn đậm sắc màu văn hóa qua thời gian và những thăng trầm trên mảnh đất này.

Cùng với các đồng nghiệp, tôi trở lại thăm quán ăn La Terreza bên bờ biển Cojimar, nơi gắn bó với nhà văn Ernest Hemingway.

Quán vẫn đông khách. Những bức ảnh quen thuộc treo trên tường. Chiếc bàn ăn bên cửa sổ, đặt cạnh bức tượng bán thân của nhà văn, bên cửa sổ nhìn ra vịnh biển, vẫn được dành để tưởng nhớ về ông. Những đàn hải âu bên hàng cọc gỗ - những người bạn năm xưa vẫn như đang đợi nhà văn trở về…

Gặp gỡ với bạn bè ở La Habana. (Ảnh: Tác giả cung cấp) 

Trong bài thơ 'Những đàn chim của Hemingway,' tôi đã viết:

Những con hải âu vẫn đợi Người
Hàng cọc gỗ mặn mòi Đại Tây dương sóng gió
Biển vẫn hào phóng như tâm hồn nhà văn rộng mở
Bến thuyền sớm nay tấp nập sóng xô
Bay qua hai thế kỷ đàn chim vẫn đợi chờ
Từ đời ông cha sang đời con đời cháu
Ngoài khơi xa hay khi về neo đậu
Quấn quít quanh Hemingway trên mũi tàu
Nhà văn vừa dạo gót đi đâu
Quán La Terraza chiều bình yên quá
Hemingway cầm trên tay ly Mojito ngạt ngào hương vị
Bên cửa sổ trầm ngâm, ánh mắt vọng biển xa
Câu trả lời ông kiếm tìm suốt những tháng năm qua
'Chuông nguyện hồn ai' khi con người chưa 'Giã từ vũ khí?'
'Thời đại của chúng ta' đại bác chưa thôi gầm
Một nhân loại khổ đau hy vọng vẫn không ngừng nghỉ
Đàn chim đã trở về trong yên bình
Sau bao chuyến cùng 'Ông già và biển cả' đầy giông bão
Nhưng tâm tưởng nhà văn vẫn sóng lừng chao đảo
Số phận nhân dân và những bi kịch của chính mình
La Habana sáng nay mặt trời lên
Biển lặng sóng lòng người yên tĩnh
Dựng tượng nhà văn bằng mỏ neo cũ bên bờ vịnh
Những người thuỷ thủ Cuba nghèo muốn ông mãi bay lên như một cánh chim."./.

Theo Baocaovien.vn