Thứ 7, 23/11/2024, 09:24[GMT+7]

Không để thiếu vốn tín dụng trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Thứ 7, 26/12/2020 | 17:27:40
9,141 lượt xem
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 26/12.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao và đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016 - 2020. Tín dụng tăng trưởng phù hợp với mức hấp thụ của nền kinh tế với mức tăng 10,14% so với cuối năm 2019; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Thị trường ngoại tệ và thị trường vàng được quản lý hiệu quả, vận hành ổn định, góp phần chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm; trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hoạt động thanh toán tiếp tục có những bước tiến vượt bậc cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; thanh toán không dùng tiền mặt tăng 344,2% về số lượng và 96,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trong năm 2020, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng với dư nợ gần 355 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch với doanh số cho vay lũy kế đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhất là trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” đó là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Toàn ngành đã có bước phát triển vượt bậc, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong 5 năm qua; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, góp phần bảo đảm giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; chủ động, kịp thời, tiên phong trong việc đề ra các biện pháp ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai, tháo gỡ khó khăn để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; công tác cải cách hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. 

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược giai đoạn 2020 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đặc biệt là năm sẽ tiếp tục gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể trong hoạt động; có bước tiến mạnh mẽ, xây dựng phương án chặt chẽ, tính toán tăng trưởng tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tuyệt đối không để thiếu vốn tín dụng trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ cao…, trong đó ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả và bền vững; tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, vừa hạn chế nợ mới gia tăng, vừa xử lý thành công nợ xấu tồn đọng, vừa bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển ổn định, bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục xây dựng hệ thống ngân hàng phát triển theo hướng đa dạng, hiện đại, phát triển đa dạng hóa các hình thức thanh toán đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại hội nghị, 1 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 tập thể được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2015 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; 12 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019.

Minh Hương 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày