Chủ nhật, 10/11/2024, 05:52[GMT+7]

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ 4, 31/03/2021 | 15:34:43
3,580 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, dưới tác động của dịch Covid-19 nhưng các ngành sản xuất của tỉnh đã từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đóng góp vào kết quả tích cực đó phải kể đến vai trò quan trọng của ngành Ngân hàng đã kịp thời cung ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân vay vốn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Thái Bình kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay ở hộ gia đình ông Phạm Đình Chiểu (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư).

Đến hết tháng 3/2021, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh ước đạt 65.730 tỷ đồng, tăng 0,7% so với thời điểm 31/12/2020; trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20,2%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 32% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 47,8% tổng dư nợ cho vay.

Ông Trần Minh Hạc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đó là từ đầu năm đến nay các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, động viên khách hàng tiếp tục duy trì ổn định và phát triển sản xuất. Đến hết tháng 2/2021, toàn ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 351 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 316 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 840 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm lãi vay 159 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ 347 triệu đồng; đồng thời, cho vay mới 9.023 khách hàng với lãi suất ưu đãi thấp hơn mức phổ biến từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch Covid-19 với doanh số cho vay hơn 29.700 tỷ đồng. Đi đầu trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải kể đến các ngân hàng như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh vượng Chi nhánh Thái Bình (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay cho 255 khách hàng với dư nợ 86 tỷ đồng; cho vay mới 506 khách hàng với doanh số cho vay hơn 410 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay cho 6 khách hàng với dư nợ gần 58 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay cho 6 khách hàng với dư nợ gần 19 tỷ đồng; cho vay mới 68 khách hàng với doanh số cho vay hơn 9.509 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay cho 2 khách hàng với dư nợ 21 tỷ đồng; cho vay mới 2.471 khách hàng với doanh số cho vay 9.291 tỷ đồng)…

Không chỉ quan tâm, chia sẻ khó khăn cho khách hàng, thời gian qua, ngành Ngân hàng còn chú trọng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, ưu tiên vốn cho vay các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ. Đến hết tháng 3/2021, các TCTD đang cho hơn 115.000 khách hàng vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho vay ước đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm 31/12/2020, chiếm 38,2% tổng dư nợ cho vay. 

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Bắc Thái Bình Chi nhánh huyện Quỳnh Phụ (Agribank Quỳnh Phụ) cho biết: Là ngân hàng của nông nghiệp, nông thôn nên thời gian qua Agribank Quỳnh Phụ luôn tập trung nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng lớn, phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện… Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 nhưng Agribank Quỳnh Phụ vẫn duy trì hoạt động ổn định và phát triển. Đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 4.551 tỷ đồng, tăng 22,5% so với thời điểm 31/12/2019, đạt 102% kế hoạch được giao; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 2.190 tỷ đồng với 8.410 khách hàng đang vay vốn, tăng 16,6% so với thời điểm 31/12/2019, đạt 105,8% kế hoạch được giao, trong đó dư nợ cho vay qua tổ đạt 585 tỷ đồng, chiếm 26,7% tổng dư nợ cho vay.

Năm 2021, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ cho vay tăng tối thiểu 10% so với năm 2020. Chính vì thế, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng nhằm bảo đảm nguồn vốn cho vay quay vòng; chủ động cắt giảm chi phí hoạt động, thực hiện các giải pháp hỗ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; từ đó tiếp tục khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế cũng như hỗ trợ tích cực cho kinh tế của tỉnh phát triển.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày