Thứ 7, 23/11/2024, 14:14[GMT+7]

Hoàn thiện dự thảo các văn kiện trên cơ sở nhận thức sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa Đại hội XIV của Đảng

Thứ 5, 07/11/2024 | 06:27:28
678 lượt xem
Ngày 6/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Dự hội nghị có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, các bộ, ngành.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo tóm tắt nội dung cốt lõi 4 dự thảo báo cáo trình Đại hội XIV của Đảng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2026- 2030; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua.

Các đại biểu đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn, khoa học, tâm huyết, vừa có tính chất bao quát chiến lược, vừa đi vào giải pháp cụ thể đối với các vấn đề quan trọng, cấp bách nêu trong các dự thảo báo cáo.

Về tổng thể, các ý kiến cho rằng, các dự thảo báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có nhiều điểm mới, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa thật cô đọng, súc tích. Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp xây dựng văn kiện theo hướng rõ chủ trương, rõ định hướng chiến lược, cụ thể về giải pháp, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong nội dung giữa các báo cáo; trong đó Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác là báo cáo chuyên đề, cần thống nhất với những đánh giá, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn mà Báo cáo chính trị đã xác định.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực các Tiểu ban Đại hội XIV của Đảng cảm ơn sự góp ý rất tâm huyết, rất trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có thể thấy, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều theo rất sát tình hình phát triển của đất nước, rất trăn trở với sự nghiệp cách mạng của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc.

Từ nhãn quan chính trị sâu sắc, kinh nghiệm phong phú, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những góp ý hết sức quý báu, để các Tiểu ban, Thường trực các Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn kiện.

Theo kế hoạch, đại hội đảng bộ các cấp sẽ được tiến hành vào năm 2025, các đại hội cấp cơ sở bắt đầu từ quý I năm 2025, sẽ tiến hành thảo luận bản tóm tắt Dự thảo báo cáo chính trị, các đại hội từ cấp huyện trở lên sẽ tiến hành thảo luận bản Dự thảo đầy đủ báo cáo chính trị; cùng với đó là công tác tuyên truyền sâu rộng những nội dung mới, nội dung cốt lõi của dự thảo các văn kiện trước khi công bố đầy đủ các bản dự thảo để xin ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên. Thời gian không còn nhiều trong khi công việc còn khá bề bộn.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tổng Bí thư khẳng định, các văn kiện trình ra Đại hội XIV của Đảng là công trình kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, cho nên phải phát huy dân chủ, phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, đặc biệt là sự tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lý luận sâu sắc, kinh nghiệm phong phú, am hiểu thực tiễn, đã có nhiều năm đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư đề nghị Thường trực các Tiểu ban tiếp tục trao đổi, xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề có nhiều phương án, để khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn kiện trên cơ sở nhận thức sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa của Đại hội XIV của Đảng - Đại hội gắn liền với bối cảnh đất nước sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

Dự thảo các văn kiện là bước đầu quan trọng để thống nhất tư duy, nhận thức mới, phục vụ tốt nhất cho thảo luận rộng rãi trong toàn Đảng, tạo khối thống nhất về ý chí và hành động thực hiện Nghị quyết sau Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tổng Bí thư nhấn mạnh, kỷ nguyên phát triển mới là kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nhân dân tin tưởng, tự hào, chung sức, đồng lòng xây dựng thành công nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.


Tổng Bí thư Tô Lâm


Tổng Bí thư chia sẻ, trong 4 nguy cơ mà Đảng ta xác định từ lâu còn hiện hữu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất trăn trở trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Làm thế nào để phát huy được những thành tựu lịch sử đạt được sau 40 năm đổi mới, đưa đất nước phát triển vượt bậc, vững bước vào kỷ nguyên mới là trách nhiệm lớn lao và cũng là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Do vậy, tư tưởng xuyên suốt của văn kiện lần này là làm thế nào để đưa đất nước phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nguồn lực và động lực quan trọng để đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới là ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng; phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; mọi người dân chung sức đồng lòng, phát huy mạnh mẽ nội lực, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Theo: nhandan.vn