Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật

Thứ 7, 09/11/2024 | 16:29:05
3,617 lượt xem
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, tố tụng và xét xử một số vụ án hình sự.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự phiên họp.

Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu thực tế có những vụ án lớn thông thường kéo dài hàng năm, khi cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên và cấm giao dịch thì đến khi giải quyết xong có những tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì lẽ ra phải xử lý hoặc xử lý sớm nhưng không xử lý được để đến khi tòa xét xử sẽ gây ra tình trạng lãng phí, tài sản này không được đưa vào sử dụng khai thác. Có những tài sản kể cả bị cáo, bị can, người bị hại vẫn muốn xử lý, thậm chí lúc đó bị cáo có muốn nộp tiền, nộp tài sản để khắc phục hậu quả để làm tình tiết giảm nhẹ cũng phải đến tòa án, lúc đó giá trị tài sản cũng không thể định giá đúng, hoặc tài sản đó có thể hỏng hóc, xuống cấp không thể sử dụng được.

Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng, xem xét xử lý sớm vật chứng, tài sản trong vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm hiệu quả, đúng pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hết sức cần thiết. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung làm rõ phạm vi điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn và tránh gây mẫu thuẫn với các luật, bộ luật hiện hành có liên quan. Đại biểu cho rằng các biện pháp xử lý vật chứng tài sản trong quá trình tố tụng là nội dung cốt lõi cơ bản nhất của nghị quyết và thể hiện tại điều 3 quy định 5 nhóm chính sách và 5 nhóm biện pháp xử lý; do vậy đề nghị cần xác định rõ hơn tiêu chí điều kiện để được áp dụng biện pháp cho nộp tiền lấy lại tài sản;...

Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhà giáo cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt, bảo đảm sự nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng là “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia vào một số nội dung cụ thể như về địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo là người nước ngoài, về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo,...

Dự thảo Luật Việc làm, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát, quy định rõ phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật giữa dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) với các luật có liên quan như Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Rà soát tính tương thích quy định các điều khoản dự thảo Luật đối với thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế trong lĩnh vực lao động và việc làm. Đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng; về chính sách của Nhà nước về việc làm; Về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)