Thứ 7, 23/11/2024, 14:01[GMT+7]

Cảnh giác với chiêu trò giả danh shipper lừa đảo giao hàng qua mạng

Thứ 7, 16/11/2024 | 15:02:09
2,122 lượt xem
Những năm gần đây, mua hàng qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), qua các trang mạng xã hội trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, lợi dụng sự chủ quan của khách hàng trong quá trình giao dịch trên không gian mạng, nhiều đối tượng giả danh shipper giao hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn tinh vi, thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng đã có không ít người “sập bẫy” mất hàng chục triệu đồng, bị nhóm đối tượng dẫn dắt truy cập đường link không an toàn cùng nhiều chiêu trò dụ dỗ khiến mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Người dân cần cảnh giác khi mua hàng trực tuyến, chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận và kiểm tra hàng.

Ngày 2/10/2024, Công an xã An Thái (Quỳnh Phụ) tiếp nhận trình báo về vụ việc lừa đảo giao hàng qua mạng của chị T, sinh năm 1987, trú tại xã An Thái. Chị T cho biết: Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên mua hàng trên mạng và gửi về tận nhà. Sáng cùng ngày, tôi nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, tự giới thiệu là nhân viên giao hàng giao đơn quần áo tôi đặt qua mạng. Tôi đang có việc bận nên không thể trực tiếp nhận hàng, đối tượng này đã đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản sau đó giao hàng cho người nhà nhận. Ngay sau khi chuyển 510.000 đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp, khoảng 10 phút sau đối tượng gọi lại nói do nhầm lẫn nên gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper, muốn lấy lại phải liên hệ tổng đài để hủy, nếu không mỗi tháng sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng trong tài khoản. Tôi được gửi một link tài khoản facebook để giải quyết. Sau khi liên hệ với tài khoản trên, nhóm đối tượng yêu cầu tôi chuyển thêm tiền, đồng thời thêm tôi vào một nhóm khác trên Telegram đưa ra nhiều chiêu trò dụ dỗ để chuyển tiền. Tôi đã rất hoang mang trước những lời dụ dỗ, đe dọa của nhóm đối tượng lừa đảo này, tôi không làm theo yêu cầu và đến công an xã để trình báo. 

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã An Thái đã xác minh, xác định đây là vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh shipper. Cán bộ Công an xã đã giải thích rõ về hành vi, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, đề nghị chị T tuyệt đối không chuyển thêm bất cứ khoản tiền nào theo yêu cầu của các đối tượng, chặn toàn bộ liên lạc, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu ngân hàng của mình cho các đối tượng. 

Cũng giống như chị T, chị Bùi Minh P, trú tại phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) thường xuyên mua hàng qua các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội thông qua livestream bán hàng và tương tự gặp phải chiêu trò giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị P cho biết: Chỉ tính riêng tuần vừa rồi, tôi nhận được 3 cuộc điện thoại, 1 tin nhắn từ các số điện thoại lạ làm phiền, giả danh shipper giao hàng, các đơn hàng đều chưa thanh toán và yêu cầu tôi xác nhận địa chỉ, chuyển khoản thanh toán đơn hàng. Tất cả các thông tin cá nhân của tôi đều hoàn toàn đúng với đơn hàng ảo đang giao đến. Tôi nội trợ ở nhà nên đối tượng hẹn 5 - 10 phút sẽ giao hàng, tuy nhiên tôi có đợi và không thấy shipper đến, đối tượng giả danh này cắt liên lạc, chặn số điện thoại. Tôi mong cơ quan chức năng sẽ sớm xử lý nghiêm các đối tượng này để không có thêm nạn nhân nào mắc bẫy. 

Anh Nguyễn Trường Sa, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) là nhân viên giao hàng nhiều năm các tuyến xã, phường ở thành phố cho biết: Trước khi giao hàng, nhân viên giao hàng sẽ gọi điện báo khách có đơn hàng chuẩn bị giao, các đơn chưa thanh toán tôi sẽ báo khách số tiền cần thanh toán, đa phần khách chuyển khoản ngay sau khi tôi giao thành công đơn. Khu vực tôi giao hàng, khách hàng đều quen thuộc và chủ động lưu số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để thanh toán nên may mắn chưa có khách hàng nào phản hồi bị gọi điện giả danh shipper lừa đảo. Hệ thống phần mềm quản lý đơn hàng, sàn TMĐT đều gửi cho người mua mã vận đơn để thuận tiện cho việc theo dõi, nếu có bất thường người mua cần kiểm tra lại để tránh mất tiền không đáng có. 

Theo ghi nhận của cơ quan công an, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận đã xảy ra các vụ việc giả giao hàng để lừa đảo. Trên fanpage của Bộ Công an, ngày 2/10/2024, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo đây là thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao, nhiều nạn nhân mắc bẫy. Các đối tượng lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin khách hàng thông qua các bình luận công khai hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách hàng từ các nguồn không chính thống. Khi có được thông tin đặt hàng, đối tượng tự xưng là nhân viên giao hàng, chọn thời điểm khách hàng không có mặt ở nơi giao hàng gọi điện thoại thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng. Trường hợp nạn nhân không có ở nhà thì đối tượng nói đã gửi hàng cho bảo vệ, người thân nhận hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Với các đơn hàng có giá trị cao, nhận được tiền đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc ngay với nạn nhân. Với đơn hàng có giá trị thấp, đối tượng sẽ có chiêu trò dụ dỗ, đưa ra những lời hứa hẹn lấy lại được tiền bằng cách gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến website giả mạo của đơn vị giao hàng, yêu cầu nhập các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, mã OTP để thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền rồi chiếm đoạt. 

Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia mua hàng trực tuyến. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng trước khi thanh toán, không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, lịch trình vận chuyển, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi lịch trình của đơn hàng, bảo đảm đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Đồng thời, cần bảo mật, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi livestream. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.

Mỗi ngày có hàng nghìn đơn hàng mua hàng qua mạng được phân loại và vận chuyển đến khách hàng.

Hà Tuyết