Thứ 7, 23/11/2024, 23:49[GMT+7]

Laptop đang tiến hoá ngược để trở thành smartphone

Thứ 5, 24/06/2021 | 10:56:52
1,109 lượt xem
Các hãng máy tính đang tích hợp nhiều tính năng của điện thoại lên laptop, trái ngược xu hướng cách đây 10 năm.

Những chiếc laptop sắp tới sẽ giống smartphone nhưng lớn hơn, mạnh hơn và đa năng hơn. Điều đó cho thấy sự thay đổi trong xu hướng điện toán di động suốt gần 10 năm qua, khi smartphone ngày càng nhanh và mạnh, còn laptop hầu như không có nhiều cải tiến nổi bật.

Với công việc thường ngày, người dùng luôn có 2 lựa chọn: sử dụng thiết bị cồng kềnh với quạt tản nhiệt ồn ào, màn hình chất lượng trung bình, thời lượng pin chỉ vài giờ; hoặc chiếc "máy tính siêu nhỏ" trong túi quần, luôn sẵn sàng để hoạt động và thời lượng pin lâu hơn.

Trong thời đại smartphone bùng nổ, laptop vẫn tồn tại bởi chúng đáp ứng các nhu cầu nâng cao tốt hơn, với màn hình lớn và bàn phím vật lý. Khi đại dịch bùng phát, nhiều người cảm nhận laptop hữu dụng hơn smartphone hay tablet, đặc biệt khi nhà luôn có Internet và ổ điện.

Thị trường máy tính tăng trưởng nhờ đại dịch Covid-19

Doanh số máy tính nói chung đã giảm trong 10 năm qua. Nhiều nhà phân tích dự đoán thị trường máy tính sẽ tiếp tục suy giảm, nhưng đó là khi đại dịch chưa bùng phát.

Theo hãng nghiên cứu IDC, doanh số máy tính trong bối cảnh dịch bệnh hàng quý tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà sản xuất đã tận dụng đà tăng trưởng, bổ sung nhiều tính năng mới cho laptop mà trước đây chỉ có trên smartphone.

Bộ xử lý mạnh mẽ nhưng tiết kiệm năng lượng, màn hình sắc nét, kích thước mỏng nhẹ hay thời lượng pin lâu là cải tiến đáng chú ý trên nhiều mẫu laptop ra mắt từ 2 năm gần đây. Những yếu tố trên cũng giúp laptop tháo rời bàn phím, bản lề gập xoay 360 độ trở nên đáng mua hơn.

Mạng di động 4G và 5G cũng là tính năng được trang bị trên nhiều mẫu laptop mới. Dù vậy, chúng vẫn chưa thực sự phổ biến do các nhà mạng không mặn mà hợp tác.

Xu hướng "di động hóa" laptop đến từ những thay đổi trong hành vi sử dụng của chúng ta. Tuy nhiên, nó cũng xảy ra nhờ tiến bộ của công nghệ.

Ra mắt năm 2020, Lenovo Flex trang bị chip xử lý Qualcomm, mạng 5G và thời lượng pin tối đa 24 tiếng. Ảnh: The Verge. 

Apple dẫn đầu xu thế

Geoff Blaber, CEO hãng tư vấn công nghệ CCS Insight cho rằng laptop có thời lượng pin cao hơn nhờ cải tiến trong chip bán dẫn, và Apple đang dẫn đầu trong khía cạnh này. Chip M1 trên máy tính Mac là minh chứng rõ nhất, ra đời sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ chip Apple A trên iPhone, iPad. Blaber cho rằng Apple M1 đã khiến đối thủ chú ý.

Hiệu năng của M1 đã được chứng minh qua app chấm điểm (benchmark) và các bài đánh giá thực tế. Miguel Nunes, Giám đốc quản lý sản phẩm tại Qualcomm cho rằng sự tối ưu phần cứng với phần mềm cũng là yếu tố khiến M1 hoạt động tốt trên Mac, khác hẳn với những con chip Intel được dùng trên nhiều loại máy, đến từ các hãng khác nhau.

Không chỉ Apple, nhiều hãng cũng suy nghĩ đến "di động hóa" laptop. Surface Pro X của Microsoft là ví dụ với chip xử lý Qualcomm, hỗ trợ mạng 4G và thời lượng pin lâu. Tuy nhiên, điểm yếu của thiết bị nằm ở hệ điều hành Windows chưa hỗ trợ tốt cho chip ARM.

Intel đang nắm giữ khoảng 80% thị phần chip cho laptop. Trong 20% còn lại, AMD chiếm đa số, Apple, Qualcomm, MediaTek và các hãng khác thuộc về phần nhỏ hơn. Để đáp ứng xu hướng mới của laptop, MediaTek và Qualcomm đang tích cực phát triển những con chip mới.

Apple đang dẫn đầu xu thế "di động hóa" laptop với chip xử lý M1 cho hiệu năng cao, tiết kiệm pin. Ảnh: InputMag. 

Trong khi đó, Intel đã giới thiệu chứng nhận Evo. Để đạt chứng nhận này, laptop phải có thiết kế mỏng nhẹ, khả năng bật tức thì từ chế độ ngủ (sleep), thời lượng pin từ 9 tiếng. Tuy nhiên, những thiết bị này đang có giá khá cao.

Chris Walker, Phó chủ tịch Intel cho biết dự án Evo đã được đẩy nhanh nhờ nhu cầu người dùng thay đổi trong đại dịch.

Theo Blaber, máy tính đang hưởng lợi từ sự hồi sinh của ứng dụng web. Tuy nhiên khi nhắc đến yếu tố này, cả Microsoft và Apple phải dè chừng Chrome OS đến từ Google, có thể chạy trên nhiều thiết bị với kiến trúc chip khác nhau, không sợ vấn đề tương thích do mọi ứng dụng đều chạy trên web.

Xu hướng sẽ tiếp tục

Một trong những tính năng nổi bật trên smartphone là kết nối mạng liên tục bằng 4G hay 5G, giúp chúng ta không bỏ lỡ thông tin khi di chuyển hoặc đến nơi không có Wi-Fi. Tuy nhiên so với chip xử lý hay thời lượng pin, mạng 5G vẫn chưa thể phổ biến trên laptop trong tương lai gần.

Laptop đạt chuẩn Intel Evo cần có kích thước mỏng nhẹ, thời lượng pin tối thiểu 9 tiếng. Ảnh: Intel. 

Patrick Moorhead, Chủ tịch công ty tư vấn công nghệ Moor Insights & Strategy, nhận định khó khăn đến từ sự hợp tác của nhà mạng. Họ lo rằng những thiết bị tốn nhiều dung lượng, băng thông Internet như laptop có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của trạm thu phát sóng.

Bất chấp thách thức, các nhà phân tích vẫn dự đoán lạc quan về doanh số laptop. Lý do đến từ nhu cầu trong thị trường giáo dục, nâng cấp máy tính cũ và xu hướng làm tại nhà khiến nhiều người cần sở hữu máy tính riêng, thay vì dùng hàng do công ty cấp.

Thay đổi trong hành vi người dùng cũng khiến nhu cầu mua máy tính tăng. Những cuộc họp online đã trở nên quen thuộc, các hãng đã nhanh chóng đáp ứng bằng cách tung ra nhiều mẫu laptop với webcam chất lượng cao.

Một trong những nhu cầu cũng sinh ra từ đại dịch là chơi game. Laptop văn phòng không phải lúc nào cũng đáp ứng tốt tác vụ này. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều người sẵn sàng mua laptop mới để chơi game mùa dịch.

Theo zingnews.vn