Thứ 7, 23/11/2024, 20:24[GMT+7]

Hệ thống mỗi người một mã QR sẽ hoàn thiện trong tháng 7

Thứ 2, 19/07/2021 | 17:45:52
1,391 lượt xem
Hệ thống mỗi người dân Việt Nam sẽ có một mã QR riêng dự kiến hoàn tất trong tháng này, nhưng việc triển khai phụ thuộc vào liên thông dữ liệu.

Người dân quét mã QR Code khai báo y tế điện tử tại một chốt kiểm dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết việc xây dựng hệ thống cho phép cấp cho mỗi người một mã QR đã được hoàn thiện khoảng 80%. "Hiện hệ thống đang quá trình tinh chỉnh và hoàn thiện dần, đồng thời bắt đầu đưa vào sử dụng một số tính năng", ông Nam chia sẻ. "Mục tiêu về cơ bản trong tháng 7 này sẽ hoàn thiện hệ thống". 

Hiện tại, người dùng bị "bủa vây" bởi rất nhiều ứng dụng, chẳng hạn Ncovi phục vụ việc khai báo sức khỏe hàng ngày, Bluezone giúp phát hiện tiếp xúc gần với người dương tính, Vietnam Health Declaration (VHD) giúp khai báo y tế với người nhập cảnh, hay Sổ sức khỏe điện tử để đăng ký và quản lý tiêm chủng. Giải pháp gộp thành một "super app" khó thực hiện bởi mỗi ứng dụng phục vụ cho một mục đích khác nhau. Theo các nhà quản lý, việc liên thông giữ liệu giữa các app và cấp cho mỗi người dân một mã QR để quản lý sẽ hợp lý hơn.

Theo ông Nam, vấn đề quan trọng nhất trong việc triển khai mã QR cho mỗi người dân là liên thông dữ liệu. Hiện nay, nhiều ứng dụng đang tạo ra các QR khác nhau. Nhưng trong thời gian tới, khi dữ liệu được liên thông, các mã này sẽ được gộp thành một. "Mã QR chỉ là cái để hiển thị, việc tích hợp thông tin vào nó không khó và chỉ là vấn đề kỹ thuật", ông Nam chia sẻ.

Ông Nam cho biết, người dân sẽ chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng chống dịch, truy vết được khuyến nghị. Dựa trên các dữ liệu khai báo và đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng sẽ sinh ra một mã QR nếu đăng ký mới hoặc trả về mã QR nếu đã có sẵn. Mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu.

Vấn đề liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng chống dịch đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5 và đang phát triển để phục vụ các phát sinh trong quá trình phòng chống dịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc đồng bộ khó khăn do đặc thù của ứng dụng cho từng lĩnh vực nên tiến độ liên thông dữ liệu bị chậm.

Ông Nam cho biết, dự kiến việc triển khai mỗi người một mã QR sẽ hoàn thiện ngay trong năm nay. "Để sử dụng mã QR cá nhân, người dân có thể cài các ứng dụng có mã QR trên smartphone, hoặc có thể in mã QR của mình ra giấy nếu không có điện thoại hỗ trợ", ông Nam chia sẻ.

Về vấn đề bảo mật, ông Nam cho biết mỗi mã QR sẽ có độ an toàn cao, các cơ quan chức năng hoặc các bộ phận chuyên trách sẽ được phân quyền đọc theo từng mức thông tin đã được mã hóa trên đó. Điều này nhằm đảm bảo thông tin cá nhân của mỗi người dân luôn được riêng tư.

Theo mục tiêu Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, từ 2025, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số thông qua mã QR với mục tiêu cá thể hóa, suốt cuộc đời, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ.

QR Code ( Quick Response Code) - "mã phản hồi nhanh" - hay còn gọi là mã vạch ma trận (matrix-barcode) là dạng mã vạch hai chiều (2D), bao gồm các điểm đen và ô vuông nằm trong ô vuông trên nền trắng. Mã này có thể đọc bằng máy đọc mã vạch hay smartphone với camera có hỗ trợ đọc mã. QR Code được tạo ra bởi Denso Wave, một công ty con của Toyota, vào năm 1994.

Ban đầu, mã QR được chuộng bởi giới marketing và các nhà quảng cáo bởi sự khoa học và tính tiện dụng so với công nghệ mã vạch trước đó. Thời gian gần đây, loại mã này đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực hơn.

Thời gian qua, một số quốc gia đã ứng dụng mã QR cho các giải pháp chống dịch và đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc. Mã QR được xem là vũ khí chống dịch của nước này khi Covid-19 bùng phát vào năm ngoái. Người dân Trung Quốc khi tham gia mọi hoạt động bên ngoài được theo dõi qua Ứng dụng theo dõi y tế trên nền mã QR. Điện thoại cảnh báo mức độ an toàn của người đó qua màu sắc QR: màu xanh - được phép, vàng hoặc đỏ - bị cấm.

Theo bước Trung Quốc, nhiều chính quyền nước khác cũng sử dụng công nghệ tương tự để phòng chống sự lây lan của Covid-19. Bắt đầu từ năm ngoái, Singapore đã tung ra ứng dụng di động theo dõi tiếp xúc (contact tracing) cho phép các nhà chức trách xác định những người bị phơi nhiễm trước các ca dương tính Covid-19. Thành phố Moskva của Nga cũng ra mắt hệ thống theo dõi dựa trên nền tảng QR khi nước này ban hành lệnh phong toả năm ngoái. Nhật Bản triển khai hệ thống QR tại các địa điểm nhiều người đến và yêu cầu người dân cần quét và xác nhận rằng mình đã đến địa điểm đó, giúp việc truy vết diễn ra nhanh nếu có ca dương tính với Covid-19.

Theo vnexpress.net