Thứ 2, 18/11/2024, 13:57[GMT+7]

Có nên tin tưởng tính năng đo SpO2 trên smartwatch?

Thứ 3, 08/03/2022 | 14:37:18
681 lượt xem
Dù cùng đo vào một thời điểm, số liệu nồng độ Oxy trong máu từ smartwatch và thiết bị chuyên dụng có thể chênh lệch.

Hiện tại, máy đo chỉ số SpO2 (chỉ số nồng độ Oxy trong máu) đang là dụng cụ quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, nhiều smartwatch mới nhất cũng được trang bị thêm tính năng này, khiến người dùng cảm thấy phân vân liệu có thể tin tưởng số liệu trên đồng hồ.

Thiết bị chuyên dụng và smartwatch có cách thức đo chỉ số SpO2 tương đối khác biệt. Do đó, chỉ số cho ra thường không giống nhau.

Sự khác biệt trong cách thức đo

Với các máy đo chuyên dụng, cảm biến sẽ được đặt đối diện nhau ở trên 2 đầu của thiết bị. Khi đặt ngón tay vào máy đo, một đầu của thiết bị sẽ phát ra nguồn sáng, để nó đi xuyên qua qua ngón tay rồi chạm vào các cảm biến ở đầu đối diện. Khi đó, các phép đo thuộc tính của ánh sáng, bước sóng và một số dữ liệu khác sẽ cho ra mức SpO2.

Ngược lại, trên đồng hồ thông minh và vòng đeo thể thao, SpO2 được đo thông qua ánh sáng phản xạ từ máu dưới da. Điều này là do cảm biến phát sáng cũng như cảm biến đọc dữ liệu đều ở cùng một bên. Do đó, smartwatch sẽ không thể thực hiện các phép đo như trên thiết bị chuyên dụng sử dụng 2 mặt cảm biến.

Cách thức đo chỉ số SpO2 của thiết bị chuyên dụng và smartwatch có sự khác biệt lớn. 

Trong một nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, các nhà khoa học khẳng định rằng đồng hồ thông minh không đủ chính xác để được sử dụng như một thiết bị đo lường các chỉ số quan trọng. Ngay cả với một số thiết bị chuyên dụng được bán trên thị trường, nó tuy có độ chính xác cao hơn nhưng vẫn không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong y tế.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Deepak Aggarwal, Chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Saket (Ấn Độ), trả lời India Today Tech rằng hầu hết máy đo SpO2 đều có ưu thế hơn đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, chúng cũng có những sai sót như bất kỳ thiết bị điện tử nào khác. Nó đặc biệt liên quan đến cách mọi người đặt ngón tay vào máy.

“Người dùng cần đặt đúng vị trí ngón tay vào máy đo. Nếu ngón tay không có sự tiếp xúc chuẩn với cảm biến, bạn sẽ có kết quả đọc không chính xác. Trong trường hợp độ bão hòa oxy trong máu dưới 70%, chúng sẽ hiển thị kết quả sai lệch”, tiến sĩ Deepak Aggarwal cho biết.

Trong khi đó, tiến sĩ chuyên khoa tim mạch Deepak Krishnamurthy tại một bệnh viện ở Bangalore (Ấn Độ) cho rằng cả máy đo oxy và đồng hồ thông minh đều chỉ có thể đưa ra con số tương đối. Điều quan trọng là bệnh nhân phải kiểm tra lại tại phòng khám để có kết quả chính xác nhất.

Tất nhiên, tình trạng sai lệch chỉ số SpO2 trên smartwatch đã được các công ty phát hành nêu rõ trước đó. Với những người cần sự chính xác tuyệt đối, các chuyên gia đều khẳng định bệnh nhân vẫn nên ưu tiên đến các cơ sở y tế, thay vì phụ thuộc vào thiết bị đo trên thị trường.

Ưu tiên sử dụng thiết bị chuyên dụng

Chia sẻ với Zing, Phương Mai, sống tại Hải Phòng, cho biết bản thân đã tìm hiểu và chọn mua 1 thiết bị đo SpO2 chuyên dụng nhằm hỗ trợ việc phát hiện Covid-19. Khách hàng này chia sẻ rằng bản thân đã chọn mua được 1 thiết bị khá phù hợp và cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

“Tôi không quá tin tưởng vào tính năng đo SpO2 trên smartwatch, kể cả các mẫu đồng hồ cao cấp. Hiện tại, mỗi thiết bị chuyên dụng loại tốt cũng có giá chưa đến 1 triệu đồng. Do đó, tôi đã quyết định mua 1 chiếc để sử dụng cho an tâm hơn”, Phương Mai cho biết.

Trong khi đó, Hoàng Dung, sống tại TP.HCM, cho biết bản thân đã mua smartwatch có tính năng đo SpO2 do thiết bị này sở hữu nhiều tiện ích hơn. Tuy nhiên, khách hàng này cảm thấy chỉ số cho ra không hoàn toàn chính xác và nhiều lúc lệch hơn so với thiết bị chuyên dụng.

“Mình mua smartwatch để tiện hỗ trợ cho hoạt động trong công việc. Trên đồng hồ cũng có tính năng đo SpO2 nhưng mình rất ít khi sử dụng vì nó cho ra kết quả gần như giống nhau. Gần đây, mình có đến trung tâm y tế và đo bằng thiết bị chuyên dụng. Kết quả cho ra có sự khác biệt nhưng không nhiều”, Hoàng Dung chia sẻ với Zing.

Hiện tại, các mẫu smartwatch cao cấp của Garmin, Fitbit hay Amazfit đều sở hữu tính năng đo SpO2. Tuy nhiên, các công ty cũng khẳng định rằng chỉ số chỉ mang tính chất tham khảo và người dùng không thể so sánh với những thiết bị chuyên dụng. Trên hết, người dùng vẫn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nhất.

Theo zingnews.vn