Chủ nhật, 17/11/2024, 19:44[GMT+7]

AI được dạy 'cười đúng lúc'

Thứ 3, 20/09/2022 | 08:52:56
6,752 lượt xem
Các chuyên gia AI Nhật Bản đang tìm cách dạy cho robot AI biết khi nào cười khúc khích, cười nghiêng ngả hoặc không nên cười.

Huấn luyện robot cười đúng lúc

Robot có cảm xúc thường chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng như Jarvis của Iron Man hay Kitt của Knight Rider. Khi AI phát triển, nhiều robot bắt đầu biết kể chuyện cười, nhưng không có nghĩa chúng thật sự có khiếu hài hước.

Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo khẳng định đã dạy được cho robot biết cười. "Việc đào tạo AI biết cười không hề đơn giản. Các hệ thống cố gắng mô phỏng cuộc trò chuyện hàng ngày vẫn gặp khó khăn với việc khi nào robot nên cười", nhóm cho biết. Với tiến bộ công nghệ, robot đã biết cười khúc khích hay cười to đúng lúc. Việc hiểu về tiếng cười giúp chúng có thể trở nên "giống người" hơn.

Robot Erica được dạy cách cười. Ảnh: Đại học Osaka

Robot Erica được dạy cách cười. Ảnh: Đại học Osaka

"Chúng tôi nghĩ một trong những chức năng quan trọng của AI đàm thoại là sự đồng cảm", tiến sĩ Koji Inoue, thuộc khoa Khoa học và Công nghệ AI của Đại học Kyoto, nói. Nhóm của ông đã dạy cho robot tên Erica có khiếu hài hước với hy vọng làm cho cuộc trò chuyện giữa robot và con người trở nên tự nhiên hơn.

Erica là robot hình người tiên tiến do hai chuyên gia Hiroshi Ishiguro và Kohei Ogawa thiết kế. Robot này có thể hiểu ngôn ngữ tự nhiên, có giọng nói tổng hợp của con người, biết chớp mắt và di chuyển mắt khi nghe con người nói.

Tiến sĩ Inoue bổ sung: "Tất nhiên, hội thoại là đa phương thức, không có nghĩa phản hồi một cách chính xác. Vì vậy, chúng tôi quyết định cách robot có thể đồng cảm với con người là chia sẻ tiếng cười với họ và ra quyết định xem lúc nào nên cười, lúc nào không nên. Chúng tôi đã tìm ra cách kết hợp ba nhiệm vụ này. Đây là điều không thể làm được với một chatbot văn bản".

Các nhà nghiên cứu đã ghi lại cuộc đối thoại giữa nam sinh viên Đại học Kyoto với Erica. Từ đó, họ tạo ra bốn cuộc đối thoại âm thanh ngắn giữa con người và Erica. Sau đó, họ đánh giá các sắc thái của tiếng cười là đồng cảm, tự nhiên, giống với con người hay là cười theo kiểu hiểu biết.

Tuy nhiên, việc dạy khiếu hài hước cho robot vẫn gây nhiều băn khoăn. Ngay cả khi người máy ngày càng giống thật, chúng vẫn có khoảng cách nhất định. Cảm nhận thật trong giao tiếp đặt ra thách thức lớn cho khả năng mã hóa bằng thuật toán.

"Chúng ta phải mất 10-20 năm để có thể trò chuyện bình thường với một robot như Erica. Ngay cả bây giờ, robot tiên tiến này vẫn chưa sẵn sàng cho giao tiếp đời thường một cách tự nhiên. Nhưng sẽ rất thú vị khi một ngày nào đó, người dùng có thể thực sự cảm nhận được cảm xúc từ tiếng cười robot mang lại".

Theo vnexpress.net