Chủ nhật, 17/11/2024, 18:25[GMT+7]

Sản phẩm kiểm soát truy cập mạng phải ngăn chặn được các dạng tấn công phổ biến

Thứ 4, 19/10/2022 | 16:15:15
3,289 lượt xem
Một trong những yêu cầu kỹ thuật với sản phẩm kiểm soát truy cập mạng (NAC) là phải có khả năng tự bảo vệ và ngăn chặn các dạng tấn công phổ biến vào giao diện bên ngoài của sản phẩm.

Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì hướng dẫn việc áp dụng các yêu cầu trong "Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm NAC”.

Yêu cầu kỹ thuật cơ bản với sản phẩm kiểm soát truy cập mạng (NAC) đã được Bộ TT&TT ban hành. Bộ TT&TT khuyến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, đánh giá, lựa chọn sản phẩm NAC đáp ứng 8 nhóm yêu cầu kỹ thuật cơ bản: yêu cầu về tài liệu; yêu cầu về quản trị hệ thống; yêu cầu về kiểm soát lỗi; yêu cầu về log (nhật ký hệ thống - PV); yêu cầu về mô hình triển khai; yêu cầu về chức năng tự bảo vệ; yêu cầu về chức năng kiểm soát truy cập mạng; yêu cầu về chức năng cảnh báo và tích hợp.

Với mỗi nhóm yêu cầu, Bộ TT&TT đưa ra các tiêu chí, điều kiện mà sản phẩm NAC cần đáp ứng để đảm bảo chất lượng. Theo đó, cũng như các sản phẩm khác, NAC cần đáp ứng yêu cầu về tài liệu gồm hướng dẫn triển khai, thiết lập cấu hình và hướng dẫn sử dụng, quản trị.

Về quản trị hệ thống, NAC cần cho phép quản lý vận hành đáp ứng các yêu cầu như cho phép thay đổi thời gian hệ thống, đăng xuất tài khoản người dùng có phiên kết nối còn hiệu lực, xem thời gian hệ thống chạy tính từ lần khởi động gần nhất…

NAC cũng cần cho phép quản lý cấu hình tài khoản xác thực và phân quyền người dùng đáp ứng các yêu cầu: hỗ trợ phương thức xác thực bằng tài khoản - mật khẩu; hỗ trợ phân nhóm tài khoản tối thiểu theo 2 nhóm là quản trị viên và người dùng với những quyền hạn cụ thể đối với từng nhóm; hỗ trợ phân nhóm thiết bị và gán quyền quản trị nhóm cho các người dùng.

Với nhóm yêu cầu về chức năng tự bảo vệ, NAC cần có khả năng tự bảo vệ và ngăn chặn các dạng tấn công phổ biến vào giao diện bên ngoài của chính sản phẩm; đồng thời cho phép cập nhật bản vá để xử lý điểm yếu, lỗ hổng bảo mật được phát hiện trên chính sản phẩm.

Về chức năng cảnh báo và tích hợp, yêu cầu với sản phẩm NAC là cho phép tự động cảnh báo tới người dùng theo thời gian thực với các loại sự kiện: có thiết bị đầu cuối mới truy cập vào mạng, có thiết bị đầu cuối chuyển vùng mạng, có thiết bị chuyển mạch bị mất kết nối, có sự gián đoạn với tính năng sao chép lưu lượng mạng.

Thông tin với VietNamNet, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, việc ban hành yêu cầu kỹ thuật cơ bản với sản phẩm kiểm soát truy cập mạng (NAC) là nhằm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho sản phẩm NAC, khuyến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển để cân nhắc và lựa chọn khi sử dụng sản phẩm.

Đồng thời, tạo chuẩn mực chung với các sản phẩm an toàn thông tin trong nước, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Thí điểm, đánh giá thực tế việc áp dụng yêu cầu kỹ thuật làm cơ sở xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm trong giai đoạn tiếp theo.

Tính đến nay, Bộ TT&TT đã ban hành yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho cả 11 sản phẩm và khuyến nghị các cơ quan, tổ chức áp dụng: Tường lửa ứng dụng web (WAF); hệ thống quản lý và phân tích sự kiện an toàn thông tin (SIEM); nền tảng tri thức mối đe dọa an toàn thông tin (TIP); hệ thống phòng, chống xâm nhập lớp mạng (NIPS); mạng riêng ảo (VPN); hệ thống điều phối, tự động hóa và phản ứng an toàn thông tin (SOAR); phòng, chống mã độc (AV); phát hiện và phản ứng sự cố an toàn thông tin trên thiết bị đầu cuối (EDR); phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ (Anti-DDoS); phân tích và phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng (UEBA); kiểm soát truy cập mạng (NAC).

Theo vietnamnet.vn