Chủ nhật, 17/11/2024, 17:39[GMT+7]

Việt Nam tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất Đông Nam Á

Thứ 2, 31/10/2022 | 08:01:45
6,376 lượt xem
Trung bình cứ 10 người Việt có 8 người tiêu dùng số và tăng trưởng kinh tế số Việt Nam 2022 dự kiến đạt 28%, cao nhất Đông Nam Á.

Một người dùng đang sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Tổng giá trị hàng hóa trong nền kinh tế số Việt Nam năm nay sẽ đạt 23 tỷ USD, tăng gần 1/3 so với mức 18 tỷ USD của năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng này cao hơn Singapore, Indonesia, Philippines (22%), Thái Lan (17%) và Malaysia (13%), theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố.

Tổng thể nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam. Ảnh: Bain

Tổng thể nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam. Ảnh: Bain

Đóng góp chính cho kinh tế số Việt Nam là thương mại điện tử, với giá trị dự kiến đạt 14 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước. Dịch vụ nghe nhìn trực tuyến đạt 4,3 tỷ USD, còn lại các ngành như vận tải và giao đồ ăn, du lịch trực tuyến lần lượt đạt 3 tỷ USD và 2 tỷ USD tại Việt Nam trong năm. Dự báo đến 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 49 tỷ USD, với mức tăng trưởng hàng năm 31%.

Các nhà phân tích đánh giá, sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động bình thường mới một cách nhanh chóng, đồng thời vẫn duy trì và phát triển một số thói quen trong đại dịch, điển hình là mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn.

Khảo sát của Google cho thấy 60% người dùng sẽ duy trì thói quen sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới, và 30% dự kiến sử dụng nhiều hơn. Trong số người dùng thành thị, 96% có sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử và khoảng 84-85% sử dụng các dịch vụ như mua hàng trực tuyến, vận tải, giao đồ ăn.

Tuy nhiên, tần suất tiêu thụ nội dung số của người Việt lại thấp hơn so với trung bình khu vực Đông Nam Á. 23% người tham gia khảo sát cho biết họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần mỗi tuần. Tỷ lệ này là 19% với hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

"Lực lượng lao động nội địa chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và sự thâm nhập ngày càng tăng của dịch vụ số hóa ở các khu vực thành thị và nông thôn, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai", bà Stephanie Davis, Phó chủ tịch Google châu Á Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á, nhận định.

Báo cáo của Google có nhiều điểm tương đồng với báo cáo được Meta công bố trước đó. Theo Meta, tại Việt Nam, gần 8/10 dân số là người tiêu dùng kỹ thuật số. Đây cũng là giai đoạn người Việt sử dụng nhiều nền tảng số nhất, với số nền tảng tiêu dùng tăng từ 8 nền tảng năm 2021 lên 16 năm nay.

Meta đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường đứng đầu về tỷ lệ đón nhận các công nghệ tương lai như fintech và metaverse. Trung bình 7 trong số 10 người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng công nghệ liên quan đến metaverse như tiền điện tử, NFT, AR/VR trong năm nay. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR tại Việt Nam đạt 29%, cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.

"Là một trong những nước dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ tương lai, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ nếu đi đúng hướng, xây dựng chiến lược kênh tích hợp, linh hoạt chuỗi cung ứng và ứng dụng các công cụ và công nghệ mới để tương tác với người tiêu dùng kỹ thuật số", ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta, nhận định.

Theo vnexpress.net