Chủ nhật, 17/11/2024, 17:34[GMT+7]

Internet Việt Nam: 25 năm phát triển và những bước tiến vượt bậc

Chủ nhật, 20/11/2022 | 07:48:37
7,907 lượt xem
Sau 25 năm phát triển, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu, có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội của hàng triệu người dân Việt Nam và là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ảnh minh họa.

25 năm trước, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng lưới Internet toàn cầu, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông nước ta.

Sau 25 năm phát triển, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu, có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội của hàng triệu người dân Việt Nam và là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Những cú hích khiến Internet bùng nổ

Năm 1991, Giáo sư Rob Hurle, Đại học Quốc gia Australia cùng với ông Trần Bá Thái, Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội đã tiến hành thí nghiệm kết nối các máy tính ở Australia và Việt Nam thông qua đường dây điện thoại.

Năm 1994, Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội (thông qua công ty NetNam) đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam, với dịch vụ thư điện tử dưới tên miền quốc gia .vn.

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. VNPT, Netnam là những doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet. Dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tuy nhiên tốc độ truy cập còn hạn chế.

Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, bước đột phá cho phát triển khi Internet là khi băng rộng ADSL (MegaVNN) bắt đầu có mặt trên thị trường vào năm 2003. Đây là dịch vụ truy nhập Internet thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép khách hàng truy nhập Internet tốc độ cao, vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, Fax đồng thời. Cước Internet, điện thoại giảm mạnh khoảng 10-40%, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên.

Năm 2009, internet cáp quang FTTH chính thức được triển khai với tốc độ truy cập mạng tăng đáng kể so với ADSL. Cùng thời điểm này, VinaPhone khai trương mạng 3G mở ra kỷ nguyên Internet cho di động tại Việt Nam. Đây được xem là bước đón đầu quan trọng cho sự bùng nổ Internet băng rộng di động tại Việt Nam sau này.

Từ năm 2010 đến nay, Intenet Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, xu hướng chuyển dịch từ cáp đồng sang cáp quang. Với sự ra đời nhiều loại điện thoại di động thông minh (smartphone), người dùng cá nhân đang có xu hướng sử dụng Internet trên di động. Đáng chú ý là từ năm 2016 và năm 2017, các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 4G, chính thức ghi tên Việt Nam lên bản đồ 4G thế giới.

Nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số

Từ buổi sơ khai vào ngày đầu tiên Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu với chỉ vài nghìn người dùng, đến nay đã phát triển mạnh mẽ với 68,72 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số. Internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo.

Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử. Internet trở thành công cụ rất quen thuộc với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, từ người nông dân, công nhân đến học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay.

Internet Viet Nam: 25 nam phat trien va nhung buoc tien vuot bac hinh anh 2

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vnpro)

Việt Nam còn đi sớm, cùng nhịp với các nước phát triển, thực hiện thành công quá trình chuyển đổi Internet sang thế hệ mới hoạt động với IPv6 với tỷ lệ user sử dụng, truy cập IPv6 đạt 50%, đứng thứ 10 thế giới. Internet Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, là hạ tầng chính kiến tạo xã hội số an toàn, hiện đại, nhân văn.

Bên cạnh đó, có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước.

Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 11/2021, đưa ra nhận định nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ định hướng phát triển hạ tầng số cần gắn liền với kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn hạ tầng số Việt Nam, việc phát triển hạ tầng, nền tảng Internet, nội dung trong nước là rất quan trọng. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp đưa ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia là mở rộng kết nối internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.

Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).

Theo vietnamplus.vn