Chủ nhật, 17/11/2024, 16:52[GMT+7]

Họa sĩ Việt: AI vẽ tranh là con dao hai lưỡi

Thứ 2, 19/12/2022 | 08:26:24
6,308 lượt xem
Các họa sĩ cho rằng dù AI vẽ tranh là xu thế, công nghệ vẫn còn nhiều lỗ hổng gây tranh cãi và thực tế không hề sáng tạo.

Từ trái sang phải, ông Hai Nguyen, Giám đốc nghệ thuật của Sipher; ông Leo Đinh, CEO Sun Wolf; ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil và bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance.

Khi cơn sốt AI vẽ tranh Lensa trở thành hiện tượng dậy sóng cộng đồng, giới họa sĩ quốc tế đã tiến hành các chiến dịch tẩy chay AI do những vi phạm về đạo đức và bản quyền. Ở Việt Nam, AI vẽ tranh cũng trở thành chủ đề được quan tâm, nhất là trong cộng đồng nghệ thuật.

"AI như con dao hai lưỡi. Khi bắt đầu cái gì đó mới, phức tạp, chúng ta thường tìm cách đi tắt. Trong không gian sáng tạo nghệ thuật, AI đang mở ra một con đường tắt như thế", ông Hải Nguyễn, Giám đốc nghệ thuật của Sipher, nói trong sự kiện Digital Creators Meet Up cuối tuần qua.

Theo ông, trong lĩnh vực nghệ thuật, AI đã có những bước tiến đáng kinh ngạc và một số họa sĩ nghĩ họ đã có thể giao phó công việc cho máy móc. "Điều đáng sợ nhất là nghệ sĩ cho rằng họ không cần mất thời gian học những kiến thức nền tảng về giải phẫu, tỷ lệ, đường nét, hình khối... vì máy móc đã làm được. Nhưng trên thực tế, AI chỉ có thể làm tốt nếu đúng công thức. Khi họa sĩ chạy theo công nghệ, mất mát lớn nhất là khả năng sáng tạo", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil, lại có góc nhìn cởi mở hơn về AI. Ông cho rằng xét cho cùng, AI nên được nhìn nhận như một công cụ giúp sáng tạo tốt hơn, tương tự trước đây các họa sĩ dùng Photoshop, Illustrator hay bảng vẽ điện tử Wacom.

Trong khi đó, ông Leo Đinh, CEO của studio Sun Wolf, khẳng định AI là bước tiến tiếp theo không thể chối bỏ của công nghệ. Trí tuệ thông minh đang giúp nghệ sĩ sáng tạo nhanh hơn, phát triển nguồn cảm hứng và thay thế những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. "Tuy nhiên AI không thể thay con người làm nội dung liên quan đến sáng tạo. Ở góc độ tích cực, công nghệ là lực đẩy buộc các nghệ sĩ phải liên tục sáng tạo hơn mỗi ngày", ông Leo Đinh nói.

Công nghệ giải bài toán bản quyền

Đạo đức và bản quyền trong AI vẽ tranh đang là vấn đề gây tranh cãi trên khắp thế giới. Ông Tiến Huy lấy ví dụ, khi một họa sĩ qua đời, phong cách của ông được đưa vào một mô hình AI mà chưa được sự đồng ý. "Câu hỏi đặt ra là phong cách nghệ thuật có nên được xem như một loại tài sản trí tuệ, được pháp luật bảo vệ và mô hình AI có đang phạm pháp khi học những phong cách này không, các tác phẩm ra đời sẽ thuộc bản quyền của ai?", ông Huy nói.

Trong khi đó, theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance, những công nghệ như NFT đang trở thành công cụ tốt để họa sĩ chứng minh nguồn gốc của tác phẩm, tránh bị đạo nhái. Tuy nhiên, mặt trái là NFT đang bị lạm dụng cho các mục đích tài chính. "NFT nên được xem là một công cụ để chứng thực bản quyền, tính độc bản của tác giả, không nên là một điều kiện khiến một tác phẩm bị thổi phồng giá quá cao. Giá trị cốt lõi của tác phẩm phải nằm ở tính nghệ thuật. Có chăng công nghệ chỉ nên là giá trị mở rộng giúp nghệ thuật có tính xác nhận, thanh khoản tốt hơn", bà Lynn nói.

Các nghệ sĩ nhận định công nghệ mới như AI, NFT sớm muộn sẽ trở thành một phần không thể chối bỏ trong không gian sáng tạo nghệ thuật. CEO Pencil dẫn chứng về việc Samsung đã ra mắt TV thông minh, tích hợp nền tảng NFT. "Khi đó, bạn thật sự sở hữu tác phẩm NFT mới có thể 'trưng bày' chứ không phải tìm ảnh trên Google rồi đưa lên. Khi đã có công nghệ hỗ trợ hiển thị như thế, mọi người sẽ trân quý hơn các tác phẩm nghệ thuật số. Đó là cơ hội của cả nhà sáng tạo lẫn công nghệ", ông Huy nói.

Theo vnexpress.net