Chủ nhật, 17/11/2024, 11:25[GMT+7]

Viettel trình diễn 6 giải pháp số tại hội nghị di động thế giới

Thứ 6, 24/02/2023 | 08:39:00
4,199 lượt xem
Các giải pháp số của Viettel tại Mobile World Congress 2023 (MWC) đang triển khai ở Việt Nam với mục tiêu cải thiện cuộc sống người dân.

Công nghệ 5G do Viettel sản xuất. Ảnh: Viettel

Sau 3 năm gián đoạn bởi dịch bệnh, Mobile World Congress 2023 (MWC), hội nghị công nghệ di động lớn nhất thế giới, được tổ chức tại Barcelona từ 27/2 đến 2/3. Trong lần thứ 6 tham gia, Viettel trình diễn 6 giải pháp mang thông điệp "Công nghệ từ trái tim".

"Dùng công nghệ để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người" là ý nghĩa của thông điệp mà Viettel mang tới hội nghị", đại diện tập đoàn giải thích.

Sáu giải pháp gồm: nền tảng tài chính số Viettel Money, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC, Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC, Bộ sản phẩm lõi 5G, Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS và Nền tảng Viettel Social Digital Twin (VSDT Platform).

Theo Viettel, đây là các nền tảng quan trọng xây dựng xã hội số tại Việt Nam cũng như tại nhiều thị trường nước ngoài mà tập đoàn đang đầu tư.

Một người dùng đang sử dụng ứng dụng Viettel Money. Ảnh: Viettel

Một người đang sử dụng ứng dụng Viettel Money. Ảnh: Viettel

"Khi triển khai bất kỳ sản phẩm nào, Viettel đều đặt ra mục tiêu để mọi người đều có cơ hội được tiếp cận và sử dụng. Tinh thần ấy được đơn vị nuôi dưỡng và hiện thực hóa từ khi bắt đầu tham gia thị trường viễn thông nhằm phổ cập dịch vụ di động, băng rộng di động. Lúc này chúng tôi tiếp tục đặt ra mục tiêu phổ cập công nghệ số", vị đại diện chia sẻ.

Viettel Money được dẫn chứng cho tính phổ cập. Ví điện tử có thể thanh toán ngay trên điện thoại "cục gạch". Hay kiến trúc linh hoạt của IOC giúp xây dựng các chính quyền số giải quyết những nhu cầu cấp bách tại địa phương, trước khi phải đầu tư toàn diện.

Trung tâm điều hành IOC. Ảnh: Viettel

Trung tâm điều hành IOC. Ảnh: Viettel

Trung tâm Giám sát an ninh mạng SOC bảo vệ toàn diện tổ chức, doanh nghiệp trên không gian mạng. Nền tảng linh hoạt với nhiều lựa chọn theo mô hình, nhu cầu của từng khách hàng.

Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS cung cấp khả năng tính cước hội tụ cho cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ cố định và các dịch vụ số (non-telecom). Nền tảng bản sao số VSDT Platform hướng tới hỗ trợ giám sát, điều hành, quy hoạch đô thị bằng dữ liệu, tiên phong trong nghiên cứu xây dựng bản sao xã hội số tại Việt Nam.

Trong khi đó, bộ sản phẩm 5G có tham gia của các công nghệ mở giúp giảm giá thành sản xuất, mang đến khả năng tiếp cận dễ chịu hơn cho nhà đầu tư. Không chỉ bán thiết bị đơn thuần, Viettel còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ lõi 5G.

Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC. Ảnh: Viettel

Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC. Ảnh: Viettel

Trước đó, Viettel sản xuất thành công thiết bị 5G và thử nghiệm trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam trước khi thương mại hóa, thể cam kết phổ cập công nghệ, thu hẹp khoảng cách số.

Giữa năm 2022, Nvidia, "gã khổng lồ" của ngành chip, tập đoàn công nghệ AI lớn thế giới, đã ký kết thiết lập quan hệ đối tác với Viettel.

"Khi đến với MWC 2023, Viettel tìm kiếm những đối tác có cùng khát vọng và triết lý 'Công nghệ đến từ trái tim' với mong muốn hợp tác giúp cho việc phổ cập dịch vụ số hiện đại đến nhiều người dùng nhanh và mạnh hơn", đại diện Viettel nói.

MWC 2023 dự kiến thu hút 80.000 lượt khách tham quan trực tiếp, trong đó phần lớn là các đối tác công nghệ lĩnh vực viễn thông trên toàn cầu. Theo Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA) đây cũng là sự kiện kết nối B2B.

Theo vnexpress.net