Thứ 5, 14/11/2024, 11:19[GMT+7]

Kiểm soát quyền lực trong môi trường quản trị số

Chủ nhật, 09/07/2023 | 09:18:26
2,613 lượt xem
Hoạt động trong môi trường các dữ liệu được số hóa là sự thay đổi căn bản cơ chế xử lý thông tin trong quản lý. Các quốc gia trên thế giới đều hướng tới quản trị số có tính bước ngoặt, mang tính cạnh tranh hướng tới hiệu quả quản lý xã hội. Hệ sinh thái số hoàn hảo bao hàm các cá nhân và tổ chức bình đẳng về quyền sử dụng, ngang bằng về năng lực, thẩm quyền trong khai thác, sử dụng. Đó cũng là cơ hội trong việc ứng dụng thành tựu và trách nhiệm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với hệ thống kiểm soát quyền lực.

Ảnh minh họa

Để làm chủ trong quản lý và sử dụng thông tin được số hóa, hoạt động kiểm soát quyền lực đứng trước cơ hội và thách thức. Về cơ hội, trước hết, thông tin trong môi trường số mang lại và bảo đảm tính minh bạch, từ đó tạo điều kiện phân tích số liệu một cách chính xác, khách quan. Sự minh bạch là tiêu chuẩn quan trọng trong hoạt động quản lý, nhất là những gì liên quan yếu tố nhân sự, tổ chức.

Thông tin được số hóa truyền đi trong môi trường không bị giới hạn số lần truy cập dữ liệu, số lượng các chủ thể sử dụng. Theo phương thức truyền thống, chúng ta thường phải bỏ ra không ít thời gian để tập hợp, tạo lập quan hệ công tác gắn thu thập và phân tích hồ sơ, dữ liệu. Nguyên nhân do thông tin khi đó còn đang nằm rải rác trong các chủ thể sở hữu khác nhau. Tính minh bạch, khách quan của dữ liệu được số hóa làm cho chất lượng của quản lý tăng lên, giúp cho các kết luận thanh tra, kiểm tra, thăm dò, hay đánh giá nhân sự được chính xác.

Trong môi trường số, những tiêu cực mang tính chủ quan bị hạn chế nhiều nhất có thể; chúng ta có được số liệu trung thực bảo đảm chính xác để có thể ban hành các quyết định quản lý. Hoạt động trong môi trường số là nâng tầm trình độ và kỹ năng của cán bộ trong hệ thống quản trị hiện đại, trên các mặt kỹ thuật, phương thức, quy trình làm việc. Khi công vụ được xử lý nhanh chóng, ngoài tiết kiệm thời gian, còn bảo đảm rút ngắn các kết luận các tình huống quản lý, góp phần vào sự tăng trưởng, tiết giảm chi phí và tác động quan trọng đến thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Không thành tựu nào mà không kèm thách thức, kiểm soát quyền lực trong môi trường số cũng vậy. Yêu cầu hàng đầu của tính xác thực của thông tin là cốt lõi của quản trị dữ liệu. Quá trình thu thập, xử lý thông tin thường dễ bị can thiệp, dẫn đến sai lệch. Nếu thông tin bị can thiệp chủ quan như bị thổi phồng, phóng đại do bệnh thành tích, bị biến ảo trong các giao dịch, hay đảo lộn trong các hồ sơ thanh tra, điều tra thì đó đều là sự cản trở việc tuân thủ, minh bạch.

Trong khi đó, bảo đảm an ninh, an toàn các dữ liệu là điều kiện tiên quyết làm cho công tác quản lý xã hội nói chung, hoạt động kiểm soát quyền lực nói riêng, bảo đảm khách quan và công bằng. Khi đó tính dân chủ, trách nhiệm công tác cũng được bảo đảm. Yêu cầu an ninh thông tin không những cần trình độ cao của các chuyên gia kỹ thuật, mà quan trọng hơn ở sự cẩn trọng, tập trung công tác, đề cao trách nhiệm của những bộ chuyên môn chuyên gia và người đứng đầu.

Yêu cầu khác là cần tuân thủ lộ trình của chuyển đổi số một cách đồng bộ, hợp lý. Một chính sách lớn, có yếu tố công nghệ, kỹ thuật thì không thể đòi hỏi sự hoàn thiện ngay một cách nóng vội. Lộ trình cũng phải theo hướng kết quả tới đâu, ứng dụng ngay tới đó bởi dữ liệu quản lý đã có, nhưng không trở thành chính sách hay giải pháp áp dụng, thì cũng không có giá trị.

Thêm một yêu cầu quan trọng nữa là cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm tính thông suốt của hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý. Sự hoàn thiện phải đi cùng với trình độ kinh tế, chính sách tổng thể kinh tế-xã hội và sự thích ứng trình độ, năng lực hay thái độ trách nhiệm của nguồn nhân lực.

Cách làm việc theo thói quen, hay tâm lý bảo thủ cố hữu đều không phù hợp yêu cầu của chuyển đổi số. Bên cạnh việc thiếu động lực trong tổ chức thực hiện, có thể còn xuất hiện tâm lý và tư tưởng tiêu cực, tham nhũng trong quá trình chuyển đổi số phục vụ quản lý xã hội ngay trong hệ thống kiểm soát quyền lực.

Các hoạt động hoàn thiện hệ sinh thái quản lý số đều có thể xuất hiện tiêu cực nếu không chủ động và nắm vững quy trình, lộ trình và công tác kiểm tra, kiểm soát. Vấn đề mua sắm vật tư thiết bị, nâng cấp hệ thống kỹ thuật, các khóa huấn luyện cập nhật kiến thức hay tuyển dụng nhân sự cho chuyển đổi số của hệ thống quản lý đều không phải là "vùng trắng" của hành vi tiêu cực. Chủ trương và quyết sách cần yêu cầu cao về trách nhiêm để có thể đạt hiệu quả, hiệu suất trong thực tiễn xã hội.

Chuyển đổi số là chủ trương chính trị lớn của Đảng và chính sách của Nhà nước, đồng thời là cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và chính sách đối ngoại. Thành quả của chuyển đổi số bảo đảm cơ hội và sự công bằng trong sự thụ hưởng đối với toàn bộ hệ thống quản trị quốc gia, trong đó có hoạt động của các cơ quan kiểm soát quyền lực.

Do đó, nếu thiếu sự nhận thức tích cực chủ quan của bất kỳ mắt xích nào trong hệ thống, tính đồng bộ hay sự bảo đảm đi đúng lộ trình của chính sách sẽ bị tác động, ảnh hưởng. Nhu cầu hay lợi thế của chuyển đổi số có thể khác nhau, như sự đi trước trong khu vực kinh tế, khu vực tài chính, ngân hàng; nhưng tính ràng buộc và liên đới của quản lý đòi hỏi sự đồng hành của cả hệ thống.

Đồng hành là nền tảng của phát triển bền vững xã hội. Hoạt động kiểm soát quyền lực có tính hệ thống (như cấp trung ương và địa phương) và quan hệ chức năng (hoạt động quản lý đồng bộ với chức năng thanh tra, kiểm tra).Tính toàn diện trong kiểm soát quyền lực tác động trong cả quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế. Theo đó, kiểm soát quyền lực hướng đến mục đích xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả xã hội ngày càng cao; thúc đẩy tính minh bạch, khách quan, dân chủ, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Theo nhandan.vn