Chủ nhật, 24/11/2024, 00:01[GMT+7]

Công nghệ 3G có thể được xem xét dừng trong 1-2 năm tới

Thứ 4, 06/12/2023 | 16:26:01
3,951 lượt xem
Công nghệ 3G được đánh giá không mang lại hiệu quả như 4G, trong khi thị phần thu hẹp nên đang được xem xét dừng.

Phó Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Phong Nhã tại tọa đàm sáng 5/12.

Tại tọa đàm về tắt sóng 2G do Câu lạc bộ ICT Press Club tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội, một số ý kiến cho rằng công nghệ 3G tại Việt Nam cũng đã đến lúc có thể dừng, tương tự 2G vào năm 2024.

Mạng 3G được cấp phép thí điểm từ 2009. Sau hơn 14 năm, phần lớn người dùng đã chuyển lên 4G, khi công nghệ mạng thế hệ thứ tư đã phủ hơn 99% dân số. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng 3G "sẽ được xem xét để dừng trong 1-2 năm tới đây".

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội vô tuyến điện tử, dẫn ví dụ ở một số nước châu Âu, nhiều nhà mạng đã có chủ trương tắt sóng 3G trước cả 2G. Điều này, theo ông Hoan, là do mạng 2G không chỉ cung cấp dịch vụ gọi điện, nhắn tin, mà còn dùng trong các kết nối M2M (máy với máy) nên không dễ loại bỏ. Trong khi đó, 3G vốn chỉ phục vụ nhu cầu về truy cập dữ liệu và đã có 4G thay thế.

"3G sinh ra để dùng cho data, nhưng không thành công. Nhưng 4G lại rất thành công về data, nên họ muốn loại 3G ra khỏi mạng", ông Hoan nói.

Theo các chuyên gia, việc dừng 2G và 3G mang lại nhiều giá trị, đặc biệt khi những công nghệ này đang sử dụng các "băng tần vàng" mà không đem đến hiệu quả cao như các công nghệ mới.

Ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia mạng không dây Huawei, đánh giá việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Dẫn thống kê của GSMA, ông cho biết đến cuối tháng 6, có 149 nhà mạng đã và đang tắt công nghệ cũ, đa số tắt ở những quốc gia tiên tiến, như 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á.

"Lợi ích thiết thực của việc tắt công nghệ cũ là tiết kiệm chi phí vận hành. Thiết bị cũ thường tốn điện, chi phí sửa chữa, vật tư. Một phần quan trọng nữa là 2G và 3G đang sử dụng băng tần vàng", ông Lâm nói.

Tại Việt Nam, các công nghệ này được triển khai trên băng tần 900 MHz, trong khi mạng 4G sử dụng băng tần 1800 MHz. Theo chuyên gia Huawei, 900 MHz có lợi thế vùng phủ rộng hơn, từ đó giảm được khoảng một nửa số trạm so với băng tần 1800 MHz. Việc tắt sóng 2G, 3G giúp các nhà mạng có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho công nghệ mạng 4G, 5G và sau này là 6G.

Thực tế, một số nhà mạng Việt Nam đã tắt dần trạm 3G tại các khu vực có nhu cầu thấp. Viettel cho biết đã chuyển đổi thành công các khách hàng dùng 3G lên 4G và hiện chỉ còn 2% sử dụng 3G trong mạng.

Dẫn ví dụ Viettel chỉ còn lượng nhỏ thuê bao 3G, ông Nhã cho rằng các nhà mạng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn dừng 3G để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác mạng lưới, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. "Việc doanh nghiệp dừng công nghệ 3G hoàn toàn khả thi, phù hợp với định hướng của cơ quan quản lý", ông Nhã nói.

Về tắt sóng 2G, đại diện Cục Viễn thông và Cục Tần số Vô tuyến điện khẳng định sẽ không phát triển thuê bao mới vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, hệ thống 2G sẽ được duy trì để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE, tức những người sử dụng thiết bị 3G, 4G đời đầu, chưa hỗ trợ tính năng gọi thoại qua LTE, trước khi tắt hoàn toàn.

Các nhà mạng cũng cho biết sẽ có chương trình hỗ trợ người dùng mua điện thoại 4G giá rẻ, trợ giá và hướng dẫn sử dụng smartphone nhằm đưa người dân lên môi trường số, thay vì chỉ nâng cấp lên các điện thoại 4G "cục gạch".

Theo vnexpress.net