Thứ 2, 16/09/2024, 10:28[GMT+7]

Đánh đổi an toàn khi lắp camera giám sát giá rẻ

Thứ 4, 04/09/2024 | 11:01:17
1,813 lượt xem
Được kỹ thuật viên tư vấn lắp ba camera để giám sát quanh nhà, nhưng thấy giá rẻ, Huy Toàn đặt mua sáu chiếc, lắp khắp các phòng.

Một camera giá rẻ được lắp trong nhà.

Khi chuyển sang ngôi nhà mới xây, việc đầu tiên Huy Toàn (Nam Định) làm là lắp hệ thống giám sát. Anh được đại lý gần nhà tư vấn chọn ba camera, với giá 1,5 triệu cho camera ngoài trời và 1 triệu đồng trong nhà. Nhưng tham khảo trên mạng thấy thiết bị có chức năng tương tự chỉ vài trăm nghìn khiến anh thay đổi quyết định.

"Với cùng số tiền, tôi có thể mua cả chục chiếc, thậm chí nét và nhiều tính năng hơn", anh nói và đặt sáu camera, lắp cả ngoài sân và trong các phòng. "Thiết bị có thể không bền, nhưng nếu hỏng cũng dễ thay mới mà không tiếc". Dù được tư vấn không đặt trong phòng ngủ, anh vẫn lắp vì cần trông con nhỏ và không muốn có bất cứ "góc chết" nào trong nhà mà không theo dõi được.

"Mình tự lắp, tự đặt mật khẩu, không lo ai xem trộm cả", anh nói.

Với suy nghĩ tương tự, nhiều người chọn camera giá rẻ, bán trôi nổi trên mạng, thay vì sản phẩm của thương hiệu uy tín. Trên các sàn thương mại điện tử, nhiều camera có giá 200-300 nghìn đồng được quảng cáo hỗ trợ đầy đủ tính năng như xoay 360 độ, phát hiện chuyển động, xem ban đêm... và thu hút hàng chục nghìn lượt mua.

"Camera giám sát chỉ cần cung cấp hình ảnh là được. Về thông số, những camera này còn 'xịn' hơn sản phẩm giá hàng triệu đồng", Quốc Dũng (TP HCM) cho hay. "Đôi lúc cũng được cảnh báo vấn đề an toàn, nhưng đã lắp rồi không muốn tháo, trừ khi nó hỏng".

Camera giá rẻ hút người dùng Việt

Tại nhiều cửa hàng và trên trang thương mại điện tử, camera giám sát có hàng trăm chủng loại, giá thường trên 500 nghìn đồng mỗi chiếc với các thương hiệu lớn như HikVision, Ezviz, iMou. Trong khi đó, camera không thương hiệu hoặc ít tên tuổi chỉ khoảng 200 nghìn đồng, nhưng được quảng cáo hỗ trợ độ phân giải 2K, kết nối Wi-Fi, có màn hình gọi điện...

Các camera đa dạng về mẫu mã, giá thành, được bán trên một sàn thương mại điện tử. Ảnh: Lưu Quý

Các camera đa dạng về mẫu mã, giá bán trên một sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Pavana - công ty chuyên sản xuất camera có nhà máy tại Vĩnh Phúc, cho biết khi tham dự các hội chợ điện tử quốc tế, có nhiều đơn vị Trung Quốc chào bán camera với giá hơn 6 USD (150 nghìn đồng) và đối tác có thể gắn logo mong muốn.

Dẫn một báo cáo toàn cầu, ông Kiên cho biết camera giám sát trên thế giới nói chung chủ yếu dành cho doanh nghiệp và chính phủ với thị phần trên 70%, còn camera phục vụ gia đình khoảng 15%. Trong khi đó, tại Việt Nam, khảo sát của Pavana cho thấy một nửa thị phần là thiết bị được sử dụng cho mục đích giám sát tại gia đình. Đa số là thiết bị giá rẻ từ 200.000 đến dưới 1.000.000 đồng, bán trôi nổi trực tuyến.

"Đây không chỉ là thách thức với các nhà sản xuất camera trong nước, mà còn ẩn chứa nguy cơ lớn với an toàn thông tin của người dùng, cơ quan, tổ chức", ông Kiên nói.

Thực tế thời gian qua tại Việt Nam, camera giám sát qua Internet (IP Camera) đã gây ra nhiều vấn đề lớn về an toàn thông tin, như hình ảnh riêng tư bị chia sẻ công khai ở 800 nghìn camera, thiết bị dính mã độc trở thành một phần của mạng botnet...

Tự đặt mật khẩu vẫn có thể bị xâm nhập

Tại Việt Nam, nhiều người dùng giao phó việc thiết lập tài khoản cho kỹ thuật viên, không đổi mật khẩu mặc định, dẫn đến việc bị truy cập trái phép từ người lạ. Tuy nhiên, ngay cả khi tự cài mật khẩu, như trường hợp của Huy Toàn, người dùng vẫn có nguy cơ bị tấn công.

Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết hacker không tấn công trực tiếp mà thông qua máy chủ quản lý camera. Sau khi tìm ra và khai thác các lỗ hổng, chúng có thể vượt qua lớp xác thực và chiếm quyền truy cập camera.

Tình trạng này từng được ghi nhận trên 150.000 camera của Verkada tại Mỹ năm 2021. Dù công ty đã triển khai hình thức xác thực đa yếu tố, hacker vẫn tấn công được vào máy chủ và vượt qua các bước xác thực. Năm 2023, tin tặc cũng truy cập vào nhiều camera HikVision ở Việt Nam để cảnh báo người dùng chưa vá lỗ hổng bảo mật.

Tại hội thảo camera hồi tháng 5, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó tổng giám đốc VNPT Technology, nhấn mạnh camera trông đơn giản và nhỏ, nhưng là thiết bị phức tạp, với các thành phần về quang học, bộ xử lý, truyền thông tin qua mạng.

"Với trang bị như vậy, nó hoàn toàn có thể trở thành thiết bị thu thập thông tin. Một camera đặt trong nhà sẽ giống như máy tính có hệ điều hành, có ghi âm, có hình ảnh và gần như có thêm một người chạy âm thầm trong nhà mình", ông nói.

Hình ảnh từ camera tại Việt Nam được chia sẻ trên một trang nước ngoài. Ảnh: Lưu Quý

Hình ảnh từ camera tại Việt Nam được chia sẻ trên một trang nước ngoài.

Ngoài ra, với cơ chế xem qua Internet, dữ liệu camera sẽ được truyền về máy chủ của công ty, sau đó chuyển tới thiết bị xem của người dùng, như smartphone. Việc các công ty không đặt máy chủ ở Việt Nam cũng gây khó khăn cho quản lý, kiểm soát thông tin. Theo thống kê, hơn 96% camera nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Trung Kiên nhận định, với các camera kém an toàn, ngay cả khi lắp ở nơi công cộng cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin cho cá nhân, tổ chức. Lấy ví dụ với một camera lắp ở siêu thị, nếu bị xâm nhập và theo dõi, kẻ tấn công có thể biết đâu là mặt hàng đang được quan tâm, từ đó triển khai các kế hoạch cạnh tranh. Hay camera lắp ở ngoài sân cũng có thể tiết lộ về giờ giấc sinh hoạt của một gia đình nào đó.

Để giảm nguy cơ này, chuyên gia khuyến nghị người dân chọn camera có xuất xứ rõ ràng, có công bố nơi lưu trữ video và chính sách bảo mật dữ liệu. Khi lắp đặt, cần tránh các vị trí nhạy cảm, đổi mật khẩu ngay khi nhận bàn giao, sử dụng xác thực nhiều lớp, đồng thời thường xuyên cập nhật bản vá lỗi phần mềm.

Trong tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho IP camera. Một số yêu cầu chi tiết được nhắc đến như mật khẩu mặc định phải được khởi tạo duy nhất trên mỗi thiết bị và phải đáp ứng về độ phức tạp để chống lại các cuộc tấn công tự động; nhà sản xuất phải có hệ thống trực tuyến cho phép tiếp nhận và công bố thông tin về lỗ hổng; dữ liệu cá nhân thu thập, xử lý bởi thiết bị camera được truyền giữa thiết bị và các dịch vụ liên quan phải sử dụng kênh kết nối được mã hóa an toàn.

Theo vnexpress.net