Thứ 6, 15/11/2024, 10:51[GMT+7]

6 điểm nhấn của ngành ôtô Việt Nam 2022

Thứ 6, 30/12/2022 | 10:41:32
6,214 lượt xem
Thị trường ôtô trải qua năm 2022 với nhiều biến động về nguồn cung, giá bán, bên cạnh xu hướng xe điện hoá dần nở rộ.

Dòng người tham quan triển lãm ôtô Việt Nam 2022.

Năm 2022, thị trường ôtô trong nước phục hồi sức mua sau một năm ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Doanh số toàn thị trường có thể đạt, thậm chí vượt mốc nửa triệu xe. Cùng với những tín hiệu tích cực này, ngành xe cũng chứng kiến nhiều biến động lẫn xu hướng mới.

Doanh số kỷ lục

Dấu ấn tích cực nhất xét về thị trường vĩ mô là lần đầu tiên, tiêu thụ ôtô tại Việt Nam 2022 có thể đạt, thậm chí vượt 500.000 xe, con số kỷ lục từ trước đến nay. Tính đến hết tháng 11, doanh số toàn ngành đạt khoảng 459.423 xe, tức chỉ khoảng hơn 40.000 xe nữa là chạm ngưỡng nửa triệu chiếc.

Lượng bán nửa triệu chiếc giúp Việt Nam vào nhóm 4 thị trường tiêu thụ xe mới nhiều nhất Đông Nam Á, cùng với Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nếu xét về sức mua, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao thứ hai khu vực. Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Đông Nam Á (AAF), tăng trưởng của thị trường ôtô Việt Nam là 43,5%, chỉ sau Malaysia 44,8%, tính doanh số đến hết tháng 11.

Quy mô thị trường mở rộng, sức mua tăng trưởng nhanh là những tiền đề quan trọng thu hút quan tâm của các hãng xe, không chỉ hiện diện bằng hình thức kinh doanh nhập khẩu mà còn đặt nhà máy lắp ráp trong nước để tận dụng nhân lực và khai thác tiềm năng doanh số của thị trường.

Thiếu nguồn cung, ôtô tăng giá

Dư chấn của đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung linh, phụ kiện đứt gãy, chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng. Đây là nguyên nhân chính khiến lượng xe nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường giai đoạn nửa đầu 2022. Tình hình chỉ thực sự được cải thiện từ nửa cuối quý III trở đi khi nguồn cung ổn định trở lại.

Bởi nguồn cung thiếu hụt, nhiều mẫu xe bán chạy của các hãng Toyota, Hyundai, Mitsubishi, Kia... cần đến 1-2 tháng mới có giao đến cho khách. Với xe nhập khẩu, chủ yếu xe sang, thời gian khách chờ đợi 2-4 tháng, thậm chí nửa năm.

Selos, mẫu xe tăng giá nhiều nhất 2022, tại khuôn viên Thaco ở Quảng Nam. Ảnh: Thành Nhạn

Selos, mẫu xe tăng giá nhiều nhất 2022, tại khuôn viên Thaco ở Quảng Nam. 

Cung không đủ cầu, nhiều mẫu xe đội giá so với mức đề xuất vài chục đến vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, các hãng cũng chủ động tăng giá vì các lý do liên quan đến chi phí sản xuất, nâng cấp động cơ đáp ứng chuẩn khí thải Euro 5...

2022 có thể xem là năm chứng kiến làn sóng tăng giá trải rộng các hãng nhất từ trước đến nay. Ford, Toyota, Kia, Hyundai, Mitsubishi, Suzuki, Lexus, Mercedes... tăng giá bán hàng loạt sản phẩm lắp ráp lẫn nhập khẩu. Trong số này, Kia nhiều nhất với 4 lần.

Xe mới đổ bộ, xe cũ ngừng bán

Đây là điều vốn thường xuyên diễn ra mỗi năm của thị trường ôtô nhưng 2022 có số lượng nhiều đột biến. Về việc dừng bán, ngoài chiến lược sản phẩm của từng hãng, nguyên nhân còn đến từ yêu cầu chuẩn khí thải Euro 5 bắt buộc với ôtô mới bán ra từ 2022 phải có.

Ngưng bán liên quan đến chuẩn khí thải có các mẫu Wigo, Hilux của Toyota, Brio của Honda. Ngưng bán liên quan đến hiệu quả doanh số có Kona của Hyundai, Rush của Toyota, Passat, Polo hatchback của Volkswagen. Riêng VinFast, chiến lược chuyển đổi sang sản xuất xe điện từ 2023 khiến toàn bộ dải sản phẩm xe xăng của hãng như Fadil, Lux A.20, SA 2.0 đều bị khai tử.

Creta, CUV cỡ B mới của Hyundai trong 2022. Ảnh: TC Motor

Creta, CUV cỡ B mới của Hyundai trong 2022. Ảnh: TC Motor

Bên cạnh nhiều dòng xe rút lui, thị trường cũng chào đón hàng loạt sản phẩm mới lần đầu bán ở Việt Nam. Hyundai có Creta sau khi dừng bán Kona. Toyota ngưng bán Rush nhưng thay bằng chiếc Veloz hợp nhu cầu hơn. Hãng Nhật cũng có thêm Raize, chiếc SUV cỡ nhỏ cho khách hàng trẻ đô thị.

Bên cạnh đó, Kia phân phối trở lại Sportage và Carens sau nhiều năm vắng bóng. Hyundai đem Stargazer chinh chiến ở phân khúc MPV. Ford thay Escape bằng Territory ở phân khúc C. Jeep lần đầu bán mẫu SUV cỡ lớn Grand Cherokee, Volkswagen có T-Cross để hoàn thiện dải sản phẩm gầm cao...

Xu hướng điện hoá

Dù chưa thật sự nở rộ trên diện rộng nhưng xu hướng điện hóa của ngành ôtô Việt Nam đã thành hình rõ rệt hơn trong 2022. Bức tranh có thể chia làm hai nhóm chính, gồm các hãng tiếp cận bằng xe hybrid và nhóm còn lại là xe thuần điện.

Với hạ tầng trạm sạc còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam, các hãng Nhật, Hàn xem hybrid là cấu hình phù hợp nhất và chưa vội đầu tư cho xe điện. Toyota dẫn đầu khi bán ra sớm nhất các sản phẩm hybrid (xăng lai điện) với những cái tên như Corolla Cross, Camry và mới nhất là Altis. Suzuki có Ertiga hybrid trong 2022.

Chiếc Kicks ra mắt tại Hà Nội hồi tháng 11. Ảnh: Lương Dũng

Chiếc Kicks ra mắt tại Hà Nội hồi tháng 11.

Nissan cũng gia nhập cuộc chơi xe hybrid bằng Kicks, một chiếc xe chạy điện nhưng được cấp nguồn từ động cơ xăng trên xe. Kia công bố Sorento hybrid, mẫu xe với động cơ lai đầu tiên tại Việt Nam. Dù kế hoạch bán EV6 thuần điện trong 2022 nhưng đến nay hãng đã trễ hẹn.

Với mảng xe sang, Volvo tuyên bố động cơ hybrid sẽ là cấu hình mặc định có trên tất cả các sản phẩm của hãng từ 2023, không còn lựa chọn xe chỉ chạy xăng. Bentley trong 2022 lần đầu mang về chiếc Flying Spur sạc ngoài. Lexus vẫn trung thành với định hướng bán xe hybrid bên cạnh các lựa chọn máy xăng khác.

Với xe điện, các hãng cao cấp cập nhật nhanh xu hướng nhưng cũng có chiến lược riêng để phù hợp với hạ tầng trạm sạc. Mercedes, Audi bán ra lần lượt EQS, e-tron GT, đều là những mẫu xe thuần điện giá đắt hàng đầu trong dải sản phẩm. Doanh số vì thế không thể đòi hỏi cao nhưng là cơ sở để các hãng không phải đầu tư hạ tầng trạm sạc quy mô lớn, tốn nhiều chi phí.

VinFast xuất khẩu xe đi Mỹ

VinFast là thương hiệu xe Việt đầu tiên và cũng là hãng xe đầu tiên tại Việt Nam (kể cả liên doanh) xuất khẩu xe đi Mỹ. Câu chuyện "ngược đời" này từng được đại diện hãng kể trong gala trao giải Car Awards 2022.

Lô 999 xe điện VF 8 của hãng xuất cảng MPC Port, quận Hải An, TP Hải Phòng hôm 25/11 và cập cảng California hôm 19/12.

Chiếc VF 8 lên tàu, xuất khẩu sang Mỹ, hôm 25/11. Ảnh: VinFast

Chiếc VF 8 lên tàu, xuất khẩu sang Mỹ, hôm 25/11. Ảnh: VinFast

Theo các chuyên gia, việc có lô xe đầu tiên đi Mỹ chưa thể là tín hiệu khẳng định cho sự thành công lâu dài của VinFast tại thị trường ôtô hàng đầu thế giới, nhưng là bước đánh dấu quan trọng cho bản thân hãng cũng như cả ngành sản xuất ôtô Việt Nam nói chung. Chỉ riêng việc cho khách hàng thế giới biết đến sự tồn tại của thương hiệu Việt Nam đã là chuyện không đơn giản.

VinFast đã khai tử hàng loạt xe xăng, giao xe VF 8 và năm sau sẽ là VF 9, VF 5. Các năm tới là VF 6, VF 7 để hoàn thiện dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn.

Chật vật đăng kiểm ôtô cuối năm

Cuối 2022, người dùng xe mới, cũ tại Việt Nam trải qua một trong những giai đoạn đi đăng kiểm ôtô nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Sau khi cơ quan công an TP HCM điều tra sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm phía nam, tạm giam các giám đốc, hoạt động đăng kiểm ở những nơi còn lại siết chặt.

Đăng kiểm xe tại một trung tâm ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Thành Nhạn

Đăng kiểm xe tại một trung tâm ở quận Bình Thạnh.

Quy trình đăng kiểm khắt khe, thậm chí cứng nhắc ở một số hạng mục khiến nhiều ôtô trượt đăng kiểm dù cũng xe đó, lỗi đó ở các năm trước lại qua. Vì thế, các chủ xe có xe lắp phụ kiện hay độ thêm, tất bật đưa xe đến các garage để về "zin", sau đó mới đi đăng kiểm. Với những chủ xe không còn đồ "zin", họ phải đi thuê ở các garage với giá hàng triệu đồng/ngày.

Không những người sở hữu xe bị ảnh hưởng, các đại lý cũng phải lùi lịch giao xe cho khách vì đăng kiểm xe tốn thêm thời gian so với trước. Tình trạng quá tải diễn ra ở nhiều trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, TP HCM. Không ít chủ xe, người đi đăng kiểm chờ cả ngày mới đến lượt, có trường hợp được hẹn quay lại kiểm định sau nửa tháng. Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi đến các trung tâm đăng kiểm để hướng dẫn, giải quyết các khúc mắc trong vấn đề kiểm định xe khi Tết đã cận kề.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày