Thứ 6, 15/11/2024, 16:25[GMT+7]

Cách chọn bạt phủ ôtô

Thứ 4, 05/04/2023 | 09:30:23
3,750 lượt xem
Bạt phủ ôtô có thể làm bằng nhựa, vải không dệt hay cotton, mỗi loại đều có ưu và nhược điểm nhất định.

Bạt phủ ôtô là phụ kiện phổ biến nhằm bảo vệ phương tiện khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh, ví dụ mưa, nắng, nhựa cây, phân chim, bụi. Dưới đây là các loại chất liệu bạt phủ thông dụng và ưu, nhược điểm từng loại.

Bạt nhựa

Như tên gọi, bạt phủ nhựa làm hoàn toàn bằng chất liệu nhựa. Ưu điểm là độ chống nước cao, trọng lượng nhẹ và giá rẻ khoảng 250.000-500.000 đồng, dễ tìm kiếm trên thị trường. Ngoài ra, nhựa là chất liệu dễ gia công nên nhà sản xuất có thể tạo ra các loại bạt có kích thước đúng với hình dạng của xe, giúp tăng bộ bảo vệ xe khỏi các yếu tố môi trường.

Bạt phủ ôtô làm bằng nhựa. Ảnh: Sealskin

Bạt phủ ôtô làm bằng nhựa. Ảnh: Sealskin

Bạt phủ nhựa có thể được sử dụng cho mọi loại thời tiết tại Việt Nam, trong nhà hoặc ngoài trời. Tuy nhiên, nhược điểm của loại này là không thông thoáng, có thể gây ra hiện tượng tụ nước bên trong tấm bạt, qua đó ảnh hưởng lớp sơn nếu sử dụng trong thời gian dài trong điều kiện nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục.

Các nhà sản xuất thường khuyến cáo chủ xe không nên sử dụng bạt nhựa khi nhiệt độ thời tiết ở ngưỡng trên 35 độ C, vì lúc này dễ xảy ra tình trạng tụ nước.

Ngoài ra, chủ xe không nên phủ bạt nhựa lên xe liên tục trong thời gian quá lâu. Bạt chỉ là một biện pháp bảo vệ rẻ, nhanh và tiện lợi. Nếu muốn phủ xe trong thời gian dài hơn, chủ xe nên cân nhắc sử dụng các loại chất liệu bạt phủ khác.

Bạt phủ vải không dệt

Loại bạt phủ vải không dệt được tạo thành từ các sợi polyester hoặc acrylic đan với nhau, tạo thành một lớp vải có bề mặt mịn, thoáng (tương tự như các loại khăn ướt dùng sợi vải không dệt). Một số loại vải không dệt còn có bề mặt được xử lý mịn như chất liệu cotton, không làm xước phần sơn xe khi phủ.

Bạt phủ bằng vải không dệt. Ảnh: Automart

Bạt phủ bằng vải không dệt. Ảnh: Automart

Ưu điểm của loại bạt phủ vải không dệt là có độ thoáng khí cao, không khí ẩm dưới bề mặt vẫn có thể thoát ra ngoài, không gây hiện tượng "hầm hơi" như các loại bạt phủ làm bằng nhựa. Một số nhà sản xuất khẳng định sản phẩm có tính năng chống nước, nhưng độ chống nước của loại vải này vẫn kém hơn so với bạt nhựa, và có thể giảm nếu sử dụng dưới mưa nhiều lần.

Giá của loại bạt phủ vải không dệt sẽ nhỉnh hơn bạt phủ nhựa, khoảng 1-3 triệu đồng tùy kích thước và nhãn hiệu, đổi lại chủ xe có thể yên tâm hơn khi sử dụng vì hiện tượng bí phía dưới bề mặt vải sẽ được giảm thiểu. Bạt phủ vải không dệt được khuyến cáo sử dụng trong khu vực có khí hậu nóng ẩm, hoặc sử dụng khi xe đậu ngoài trời không có mái che. Bên cạnh đó, chủ xe nên tham khảo kỹ thông tin về độ chống nước của loại bạt phủ này, và hạn chế để bạt bị ướt mưa nhiều lần liên tiếp.

Bạt phủ bằng cotton hoặc polycotton

Bạt phủ làm từ vải dùng trong quần áo, như sợi cotton hay polycotton (polyester pha với cotton) có độ thoáng khí cao, mềm và mịn. Đa phần loại bạt phủ này không có tính năng chống nước, một số được nhà sản xuất phủ thêm lớp chống nước nhưng chỉ có tác dụng trong một thời gian hoặc số lần sử dụng nhất định. Vải cotton hoặc polycotton có độ co giãn cao, giúp bạt phủ bo sát vào thân xe, qua đó hạn chế hiệu quả việc bụi len lỏi vào các khe hở.

Bạt phủ bằng vải cotton. Ảnh: Macsim

Bạt phủ bằng vải cotton. Ảnh: Macsim

Vì đặc thù của loại vải, bạt phủ bằng cotton hoặc polycotton chỉ nên dùng trong nhà, với mục đích chủ yếu là bảo vệ phương tiện khỏi bụi bẩn và các tác nhân làm trầy xe khác. Chủ xe không nên sử dụng loại bạt này khi xe đỗ ngoài trời.

Giá của bạt bằng cotton hoặc polycotton cũng cao hơn bình thường, khoảng 2-5 triệu đồng tùy nhãn hiệu và kích cỡ xe. Đây cũng là loại bạt phủ được các showroom xe sang dùng để bảo vệ các mẫu xe được trưng bày khỏi bụi bẩn.

Các lưu ý chung khi sử dụng bạt ôtô bao gồm lựa chọn kích thước phù hợp với phương tiện, vì nếu sử dụng bạt quá to, những phần vải thừa có thể cạ vào thân xe, khiến sơn bị xước. Các loại bạt phủ sau khi dùng một thời gian sẽ bị bẩn, chủ xe nên giặt bạt thường xuyên vì các hạt bụi bẩn dính trên vải sẽ gây xước sơn trong quá trình sử dụng. Không nên sử dụng bạt khi xe quá bẩn, vì chất bẩn sẽ dính sang bạt phủ, và gây xước sơn.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày