Thứ 7, 23/11/2024, 09:30[GMT+7]

Muôn kiểu túi, bạt chống lũ ôtô

Thứ 6, 20/09/2024 | 08:37:24
6,457 lượt xem
Trong mùa lũ, thị trường túi chống ngập ôtô nhộn nhịp với đủ kiểu loại, từ vài trăm nghìn tới gần chục triệu đồng.

Người dân cùng lực lượng chức năng hỗ trợ hai chiếc xe của gia đình Lý.

Tối 8/9, rốn lũ phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên ngập nặng. Gia đình Thiên Lý tìm cách bảo vệ hai ôtô của gia đình. Ban đầu chồng cô dùng kích nâng xe lên cao. Sau khi nước ngoài đường ngập đến đầu gối, nguy cơ tràn vào nhà, Lý phải dùng tới bạt quấn quanh xe để bảo vệ khỏi nước lũ.

Chồng của Lý dùng 2 tấm bạt có kích thước 6x6 m chồng lên nhau, lót dưới sàn, cho xe di chuyển lên bề mặt, và cuối cùng là túm các góc bạt lên trên rồi dùng dây buộc chặt. Tối hôm đó, nước lũ đã dâng đến ngang hông người trưởng thành ở khu vực nhà của Lý.

"Tôi nghĩ ngập như thế này thì xác định hỏng xe rồi, nhưng bất ngờ là sáng hôm sau ra kiểm tra, 2 chiếc xe nổi lềnh bềnh ở sân nhà như có gắn phao", Lý chia sẻ.

Sau đó lực lượng chức năng cùng người dân đã hỗ trợ đẩy hai chiếc xe đến khu vực an toàn. Lý cho biết việc đẩy xe "êm ru" vì xe nổi như thuyền. Cả hai xe đều hoạt động bình thường, không bị vào nước, và không bất kỳ hư hại nào. Chi phí của một tấm bạt là 450.000 đồng, dây dù để buộc lại là 50.000 đồng.

Nhộn nhịp thị trường túi, bạt chống ngập

Sau đợt lũ lụt nặng ở miền Bắc, nhiều tài xế chia sẻ các sản phẩm túi, bạt chống ngập trên hội, nhóm với đủ kiểu loại, giá cả. Chống lũ cho ôtô bằng bạt như cách của gia đình Thiên Lý là đơn giản và khả thi nhất nếu không có sẵn các loại túi chuyên dụng.

Các tấm bạt vải, phủ nhựa được bán rộng rãi trên thị trường, do đó dễ tìm kiếm và triển khai nhanh chóng. Cách làm này không tốn chi phí quá cao như dùng túi chống ngập chuyên dụng, trong khi vẫn có tác dụng bảo vệ xe hiệu quả khỏi lũ lụt nếu sử dụng đúng cách.

Chiếc xe của gia đình Thiên Lý nổi ở trong sân nhà khi bị lụt. Ảnh: Thiên Lý

Chiếc xe của gia đình Thiên Lý nổi ở trong sân nhà khi bị lụt. Ảnh: Thiên Lý

Tuy nhiên, cách làm này có rủi ro là phần thân xe bị hở ở trên nóc, do đó nếu đỗ ngoài trời gặp mưa, xe vẫn có thể bị ngập. Với cách làm này, người dùng cần sử dụng loại bạt kín, mới đảm bảo chất lượng, không bị bục khi kéo, buộc căng. Để thêm chắc chắn, có thể sử dụng hai chiếc bạt như gia đình Lý. Ngoài ra, nếu đỗ xe ở nơi không có mái che, cần dùng thêm bạt phủ phía trên, buộc cố định, đề phòng gặp mưa.

Ngoài cách tự chế như gia đình Lý, trên thị trường có nhiều loại túi trùm, vải bạt khác với nhiều mức giá khác nhau để hạn chế các tác động của thiên tai đến ôtô. Mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng, chủ xe cần tìm hiểu kỹ để chọn lựa đúng giải pháp phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Giá thấp nhất là sử dụng các túi nilon khổng lồ, có giá 400.000-800.000 đồng để bọc xe. Túi nilon có ưu điểm là nhỏ gọn, có thể chứa ở cốp xe, khi sử dụng chỉ cần trải xuống đất, cho xe di chuyển lên trên, sau đó buộc túm lại.

Một mẫu xe sử dụng túi nilon khổng lồ để chống lũ tại Malaysia. Ảnh: Petersubang

Một mẫu xe sử dụng túi nilon khổng lồ để chống lũ tại Malaysia. Ảnh: Petersubang

Một số khác có thiết kế như túi nilon khổng lồ, bảo đảm kín khít hơn nhưng để sử dụng cần nhiều người hỗ trợ mở miệng túi để xe "chui" vào. Đồng thời độ bền túi không cao, dễ bị các vật cứng làm rách, do đó chỉ phù hợp với các cơn lũ nhẹ, nước ngập ngang bánh xe.

Trên thị trường còn bán nhiều loại túi chống ngập chuyên dụng, giá 4-7 triệu đồng tùy vào kích thước, xuất xứ. Những loại túi này sử dụng vật liệu bền chắc, khó bị đâm thủng, và có các khóa kéo chống nước, giúp bảo vệ tối đa cho phương tiện trong điều kiện ngập nặng. Tuy nhiên, mức giá cao của sản phẩm là điều khiến nhiều chủ xe phải cân nhắc.

Sản phẩm túi chống lũ cho ôtô chuyên dụng của một thương hiệu Việt Nam. Ảnh: Covo

Sản phẩm túi chống lũ cho ôtô chuyên dụng của một thương hiệu Việt Nam. Ảnh: Covo

Dù sử dụng loại nào, người dùng cũng cần chú ý sau khi bọc túi, bạt, cần có dây để cột xe vào vật cố định, nhằm tránh xe bị trôi không kiểm soát khi nước dâng cao. Ngoài ra, có thể cho thêm vào trong xe các tấm xốp xung quanh để hạn chế va đập nếu sức nước nặng đẩy xe trôi. Đồng thời, cần xác định rõ loại xe, vị trí đỗ để lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp, đảm bảo tác dụng nhưng không lãng phí.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày