Thứ 6, 15/11/2024, 11:12[GMT+7]

Quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát

Thứ 2, 15/06/2020 | 09:28:45
7,470 lượt xem
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt một số địa phương lân cận với tỉnh Thái Bình đã tái phát bệnh dịch này khiến tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao. Trước tình hình trên, tỉnh Thái Bình đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tái đàn an toàn và ngăn chặn, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan.

Người chăn nuôi chú trọng công tác chăm sóc đàn lợn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến hết tháng 5/2020, tổng đàn lợn toàn tỉnh có hơn 650.000 con (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019). Người chăn nuôi tại các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác tái đàn. Nhờ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong công tác tái đàn và phòng, chống dịch bệnh nên đến nay chưa phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới nhu cầu tái đàn của người dân rất lớn do giá lợn thịt tăng cao, chăn nuôi lợn đang có lãi, nhiều hộ đã được nhận kinh phí hỗ trợ thiệt hại vì tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nên có điều kiện tái đàn. Trong khi đó nguồn lợn giống trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, phải nhập thêm từ tỉnh ngoài cùng với ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn lợn khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ cao tái phát và lây lan, nhất là ở quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ.

Tiêu độc khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh tư liệu

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, cùng với tập trung chỉ đạo công tác tái đàn lợn khôi phục sản xuất chăn nuôi, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; chỉ tái đàn lợn khi điều kiện chuồng nuôi bảo đảm; nhập nuôi lợn khỏe mạnh, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thực hiện tiêm phòng bổ sung, thường xuyên tiêu độc khử trùng, chống nóng cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi để kịp thời báo cáo và xử lý dứt điểm, không để người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, xả nước thải, chất thải có mầm bệnh ra ngoài môi trường. Tiếp tục triển khai hoạt động đoàn công tác của tỉnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện hoạt động giám sát sự lưu hành của vi rút, nhất là vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các ổ dịch cũ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ; thành lập đội kiểm dịch lưu động để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Tôi đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong công tác tái đàn và phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua. Đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để tạo “cú huých” trong tái đàn; đẩy nhanh hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; đồng thời nghiên cứu các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại nhiều địa phương trên cả nước để có thể triển khai áp dụng và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tái đàn lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi; tiếp tục triển khai hỗ trợ kinh phí liều tinh lợn để thúc đẩy công tác tái đàn; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trang trại, hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan.

Ông Phạm Bá Vang, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Tân Bình (thành phố Thái Bình)
Hiện tại trang trại có hơn 4.000 con lợn, trong đó 650 lợn nái, còn lại là lợn thịt. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt quy trình từ khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, lựa chọn thức ăn chất lượng nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Để bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan, tôi hạn chế người lạ vào trang trại; người ra vào khu vực chăn nuôi đều phải sát trùng trong buồng khử khuẩn; thương lái đến thu mua lợn phải đỗ xe cách trang trại 1km, trang trại có xe trung chuyển đưa lợn ra tận nơi.


Thanh Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày