Thứ 7, 23/11/2024, 14:07[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông

Thứ 6, 26/10/2018 | 16:10:42
2,522 lượt xem
Vụ đông luôn được Thái Bình xác định là vụ chính thứ ba trong năm cùng với hai vụ lúa. Do vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa đều có sự gắn kết cả 3 vụ. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm giải phóng đất kịp thời cho gieo trồng cây màu sớm, có giá trị kinh tế cao của vụ đông.

Nông dân huyện Đông Hưng chăm sóc cây màu vụ đông mới trồng.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện rất tốt việc phát triển sản xuất vụ đông, chiếm trên 50% diện tích đất 2 lúa với nhiều loại cây trồng có giá trị cao, ổn định đầu ra. Thực tế đã chứng minh, đây là hướng đi hiệu quả khi vụ đông mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong khi thời vụ ngắn. 

Đông Xá là một trong những xã có truyền thống gieo trồng vụ đông của huyện Đông Hưng. Ông Phạm Văn Hạnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Xá cho biết: Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm giúp tăng hiệu quả, do vậy nhiều năm qua, diện tích sản xuất vụ đông tại địa phương luôn được duy trì và phát triển theo hướng nâng cao giá trị. Trong đó tập trung vào những cây hàng hóa chủ lực như: bí xanh, bí đỏ, ngô… Thu nhập từ cây vụ đông đạt 2,5 – 3 triệu đồng/sào/vụ.

Phấn đấu giá trị sản xuất từ vụ đông đạt trên 80 triệu/ha, huyện Đông Hưng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của vụ đông, áp dụng các biện pháp chuyển dịch thời vụ, tùy từng chân đất trồng cây vụ đông bố trí giống lúa, thời vụ và phương thức gieo cấy cho phù hợp. Chủ động rút nước khi lúa mùa chín đỏ đuôi, thu hoạch lúa khẩn trương giải phóng đất trồng cây vụ đông, huy động các phương tiện để làm đất, phấn đấu thu hoạch lúa đến đâu làm đất và trồng cây vụ đông đến đó, nhất là các cây trồng sớm, như: bí, ngô và đậu tương…

Bí xanh là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương

Thực tiễn sản xuất vụ đông nhiều năm qua cho thấy, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông trên cơ sở phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; đánh giá đúng nhu cầu của thị trường cũng như khả năng sản xuất của người dân từ đó có định hướng tổ chức phù hợp. 

Vụ đông năm 2018, ngành Nông nghiệp xác định lấy hiệu quả kinh tế trong sản xuất để phát triển bền vững, chú trọng và mở rộng các cây trồng theo lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh quy hoạch, mở rộng quy mô cánh đồng liên kết có bao tiêu sản phẩm để tạo sự ổn định trong sản xuất. Cơ chế hỗ trợ cũng tập trung vào 1- 2 cây trồng chủ lực theo đề xuất của các huyện.

Xác định ngô ngọt, bí đỏ là hai cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp với lợi thế, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh của người dân, huyện Quỳnh Phụ đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tập trung vào hai cây trồng này. Trên cơ sở kế hoạch phấn đấu 6.500ha cây vụ đông, trong đó chủ lực là ớt, ngô, dưa, bí, rau các loại, huyện giao các xã, thị trấn bố trí thời gian, cơ cấu giống lúa phù hợp để sau khi thu hoạch có đất gieo trồng rau màu vụ đông sớm. Đến nay, nông dân trong huyện đã gieo trồng được trên 5.000ha cây vụ đông, chủ yếu là ớt, ngô, dưa bí các loại, trong đó 900ha ớt bắt đầu cho thu hoạch.

Từ thực tế sản xuất cho thấy, để phát triển sản xuất vụ đông cần có các biện pháp cụ thể. Theo đó, với những địa phương có truyền thống và duy trì diện tích sản xuất cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trong đó, hình thành thêm những mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn an toàn.

Riêng những nơi đang khó khăn trong mở rộng diện tích cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân phát triển trồng cây vụ đông. Tại những nơi này, xây dựng những mô hình sản xuất cây vụ đông hàng hóa, từ đó làm hạt nhân để nhân rộng.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày