Chủ nhật, 10/11/2024, 05:39[GMT+7]

Nông dân trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Thứ 2, 26/11/2018 | 14:28:38
2,166 lượt xem
Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng vai trò chủ thể. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Nguyễn Xuân Sứ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy

Phóng viên: Đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa  - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nông dân các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về phong trào này?

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa: Nhiệm kỳ 2013 - 2018, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được xác định là phong trào trọng tâm, nòng cốt, có ý nghĩa quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực với hội viên, nông dân. Hàng năm, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất tập trung; giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất… Các cấp hội nông dân đã phối hợp với các tổ chức tín dụng giúp 63.966 lượt hộ vay vốn với số vốn đang vay 2.302,458 tỷ đồng; huy động 26,05 tỷ đồng nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, vốn quỹ quốc gia giải quyết làm làm, quỹ khoa học công nghệ cho nông dân vay; phối hợp cung ứng hàng năm trên 17,8 nghìn tấn phân bón các loại. Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, các cấp hội nông dân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức 1.258 lớp dạy nghề cho 46.125 hội viên.

 Nhờ vậy, phong trào đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn và đã đạt được kết quả toàn diện, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo. Bình quân hàng năm có 243.286 hộ đăng ký phấn đấu, đạt 82%, trong đó 177.820 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 73,1%, tăng 1,1% so với đầu nhiệm kỳ.

Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, tăng số hộ khá và giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Phóng viên: Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh cũng để lại dấu ấn đậm nét, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của phong trào?

 Đồng chí Nguyễn Văn Hòa: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM và hưởng ứng phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Kết quả, nông dân toàn tỉnh đã hiến 2.309.496m2 đất, đóng góp 2.100 tỷ đồng, 1.982.451 ngày công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương. Tổ chức hội nông dân chú trọng hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội… Hàng năm, có 230.571 gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 86,2% số hộ đăng ký. Phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM đã góp phần tích cực đưa Thái Bình trở thành điểm sáng trong cả nước với 200 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM; 247.192 hội viên nông dân sử dụng nước sạch, đạt 87,1% so với tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ làm gì để phát huy vai trò của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn?

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa: Phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy tinh thần yêu nước và cách mạng, tình làng, ngõ xóm, nếp sống văn minh, ý chí tự lực tự cường vươn lên của nông dân; hàng năm phấn đấu 100% cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của hội. Củng cố, xây dựng tổ chức hội nông dân các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, thống nhất về tổ chức; phấn đấu kết nạp từ 7.000 đến 10.000 hội viên mới/năm, 100% cơ sở hội đạt khá và vững mạnh. Vận động hội viên nông dân tính cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục tổ chức và thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phấn đấu hàng năm có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tiếp cận khoa học kỹ thuật, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, khởi nghiệp… nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; phấn đấu có 100% hội viên nông dân thường xuyên được tiếp cận kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu 70% cơ sở hội tổ chức 4 hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân và 100% cơ sở hội hướng dẫn, tổ chức xây mới ít nhất một HTX trở lên về liên kết, hợp tác trong sản xuất.

Cùng với đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về xây dựng NTM và hưởng ứng phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tích cực hiến đất, đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đề ra, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình 

(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày