Thứ 7, 16/11/2024, 06:34[GMT+7]

Hiệu quả chương trình vay vốn giải quyết việc làm

Thứ 4, 23/10/2019 | 08:51:44
2,493 lượt xem
Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay quốc gia giải quyết việc làm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đã biết tận dụng nguồn vốn để phát triển sản xuất, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nâng cao đời sống của người dân.

Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật do anh Lại Văn Điệp làm chủ tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật.

Năm 2003 để mở rộng hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) do anh Lại Văn Điệp làm chủ doanh nghiệp đã vay 300 triệu đồng từ quỹ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên xã. Từ nguồn vốn vay ban đầu, sau nhiều năm hoạt động đến nay doanh thu của Công ty đạt trên 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí mỗi năm lợi nhuận Công ty đạt 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 14 lao động là người khuyết tật với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về nguồn vốn vay anh Điệp tâm sự: Là người tàn tật nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. May mắn với Công ty, nhờ nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm Công ty đã đầu tư máy móc, nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Hiện tại các mặt hàng đồ gỗ của Công ty đã có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, trong đó có người khuyết tật.

Với hộ gia đình anh Lâm Văn Tới, thôn Phú Chử, xã Việt Hùng (Vũ Thư), nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc phao cứu sinh giúp gia đình anh vượt lên khó khăn. Trước năm 2018, hai vợ chồng anh thuê 4ha đất đào ao nuôi cá để phát triển kinh tế. Do nguồn vốn tích lũy có hạn, diện tích ao rộng nên anh có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Qua tổ vay vốn của thôn, tháng 3/2018 gia đình anh vay 35 triệu đồng để mở rộng diện tích ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản. Qua hơn 1 năm, đến nay gia đình anh có 3 ao cá thịt và 10 con bò sinh sản, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Vui mừng với thành quả đạt được, anh Tới tâm sự: “Dù số vốn vay không nhiều nhưng với mức lãi suất ưu đãi 6,6%/năm đã giúp gia đình tôi có cơ hội để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó vươn lên ổn định cuộc sống”.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước từ năm 2003. Tính đến hết tháng 6/2019, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tổng dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt 93,359 tỷ đồng với 2.902 khách hàng đang vay vốn. Theo quy định mức vay tối đa cho một dự án đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là 1 tỷ đồng; hộ gia đình là 50 triệu đồng với lãi suất  6,6%/năm; đối tượng là người tàn tật lãi suất 3,3%/năm. Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn, quản lý nguồn vốn cho vay, đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, cho vay giải quyết việc làm cho các hộ, nhóm hộ…

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp gia đình anh Lâm Văn Tới, xã Việt Hùng (Vũ Thư) mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Thuân, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chia sẻ: Chương trình vay vốn quốc gia giải quyết việc làm là một trong số các chương trình tín dụng chính sách kết hợp với nguồn vốn tại địa phương, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách các cấp đã tạo lập nguồn vốn làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cùng với việc biết tận dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, qua kiểm tra vẫn còn có một số hộ gia đình vay vốn chưa sử dụng đúng mục đích; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu.

Để nguồn vốn tiếp tục sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bám sát các định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng đầu tư tín dụng vào các mô hình, dự án mang tính xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nguồn vốn vay để kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình vay vốn bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích. Cũng theo ông Thuân, qua khảo sát nhu cầu vay vốn, hiện nay nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình muốn vay mức cao hơn so với quy định để phát triển sản xuất, vì vậy rất mong Chính phủ nghiên cứu nâng mức vốn vay để thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vay vốn, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày