Thứ 7, 16/11/2024, 04:59[GMT+7]

Phong trào chống rác thải nhựa của đoàn viên thanh niên

Thứ 6, 25/10/2019 | 09:55:05
4,009 lượt xem
Thời gian qua, các hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của các cấp bộ đoàn đã nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi và nhân dân về tác hại của túi nilon và đồ nhựa khó phân hủy, góp phần tạo nên thói quen sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường.

Từ các chai nước đã qua sử dụng, các bạn trẻ xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư đã tạo thành những chậu cảnh mini.

Dưới ánh nắng gay gắt, hàng chục đoàn viên thanh niên rửa sạch, cắt, vẽ, sơn lốp xe cũ thành đồ chơi cho các em Trường Mầm non thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ). Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những chiếc lốp xe cũ đã trở thành bồn trồng hoa, xích đu, bình tưới cây nhỏ... Sản phẩm này là một trong những kết quả của hành trình thứ hai của lốp xe do Tỉnh đoàn phát động. Đây là một trong những mô hình hoạt động của các cấp bộ đoàn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Cô giáo Vũ Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn An Bài cho biết: Tái chế lốp xe cũ thành sân chơi cho trẻ em là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Không chỉ dừng lại ở việc tạo nên những sân chơi cho các em nhỏ, nó còn tạo nên một phong trào hành động cho thanh thiếu niên nhằm bảo vệ môi trường. Hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những sân chơi ý nghĩa như vậy để các em nhỏ có không gian vui chơi an toàn và bổ ích.

Tham gia vào quá trình tái chế lốp xe cũ làm khu vui chơi cho trẻ em là các đoàn viên thanh niên, những tình nguyện viên đầy nhiệt huyết.

Nguyễn Doãn Tiến, đội trưởng đội thanh niên tình nguyện sinh viên Thái Bình tại Hà Nội cho biết: Việc tái chế lốp xe ở nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa được quản lý chặt chẽ theo hướng an toàn cho môi trường. Các địa điểm xử lý đã cố gắng loại bỏ lốp xe cũ bằng cách đốt và thường là đốt ngay ngoài môi trường không qua xử lý khí thải. Việc đốt lốp xe cũ không chỉ tạo mùi khét khó chịu, thậm chí khó thở cho những nhà dân xung quanh mà còn giải phóng các hóa chất rất độc hại, thải trực tiếp ra môi trường hoặc ngấm xuống cống, rãnh, ao, hồ và từ đó đi thẳng vào nguồn nước gây ô nhiễm. Vì vậy, khi biết có hành trình thứ hai của lốp xe, chúng em rất hào hứng. Việc này không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho các em nhỏ vui chơi, rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.  

Đoàn viên thanh niên tái chế lốp xe đã qua sử dụng thành đồ chơi cho các em nhỏ.

Tại xã Duy Nhất (Vũ Thư), các bạn trẻ đã khéo léo biến chai, lọ nhựa đã qua sử dụng thành các chậu cây cảnh nhỏ để bàn làm việc, hộp bút, chuông gió hay đơn giản là dụng cụ để đồ khô trong nhà bếp. Anh Vũ Xuân Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: Bên cạnh việc tái chế chai, lọ nhựa cũ thành đồ dùng hữu ích, trong các hoạt động bảo vệ môi trường, chúng tôi tuyên truyền, trực tiếp tham gia thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tuyên truyền đến hộ kinh doanh giảm thiểu, không dùng bao bì bằng nilon, sản phẩm đồ nhựa dùng một lần như ống hút, cốc nhựa, bát nhựa, túi nilon...

Đối với các bạn trẻ đi làm tại các công ty, văn phòng, việc dùng đồ nhựa đã có những chuyển biến tích cực. Bạn Vũ Thị Duyên, Công ty Cổ phần Quốc tế Asian (thành phố Thái Bình) cho biết: Buổi trưa mình ăn cơm tại văn phòng. Mình thường nấu cơm rồi mang tới công ty bằng hộp đựng cơm bằng inox, nước uống thì mình cho vào bình thủy tinh. Vừa bảo đảm sạch sẽ, an toàn mà lại tiết kiệm. Nếu hôm nào mình đi mua chè, trà sữa hay các loại nước giải khát khác, mình đều mang cốc inox của riêng mình đi. Mình nghĩ rằng, mỗi lần như vậy sẽ giảm được một chiếc cốc nhựa dùng 1 lần, vừa an toàn cho sức khỏe của mình lại giảm được 1 cốc nhựa thải ra môi trường.

Phong trào chống rác thải nhựa được triển khai và thực hiện không chỉ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về rác thải nhựa mà còn trở nên ý nghĩa hơn khi hiện nay đã có các cơ sở đoàn hình thành các tổ thu gom phế liệu để gây quỹ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thùy, Bí thư Chi đoàn thôn Hợp Phố, xã Nam Phú (Tiền Hải) cho biết: Chi đoàn đã gây quỹ bằng cách thu gom phế liệu, trong đó có rất nhiều chai, lọ nhựa bán lấy tiền để giúp đỡ đoàn viên thanh niên hay người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi không những muốn góp phần nhỏ bé của mình tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp mà còn tạo sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, ý thức trách nhiệm của mỗi người với nơi mình sống, khơi gợi lối sống nhân ái, đồng cảm, chia sẻ, quan tâm tới những số phận thiếu may mắn.

Xuân Phương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày