Thứ 7, 16/11/2024, 02:38[GMT+7]

Những thanh niên triệu phú

Thứ 4, 30/10/2019 | 09:25:47
1,093 lượt xem
Với thế mạnh của tuổi trẻ, trách nhiệm với xã hội, hơn ai hết lực lượng đoàn viên, thanh niên, những người trẻ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, biết tìm ra con đường đi mới để tự khẳng định mình. Nhiều thanh niên bằng ý chí, nghị lực đã vượt qua khó khăn, thử thách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi gà ri lai của anh Hoàng Thanh Liêm (người bên phải) cho thu lãi hơn 20 triệu đồng/1.000 con.

Mê cái người ta chán

Trong khi nhiều nông dân không thiết tha với đồng ruộng vì sản xuất có nhiều rủi ro và giá cả bấp bênh, cấy vụ được, vụ không, thế nhưng anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Ô Mễ 1, xã Tân Phong (huyện Vũ Thư) đã đến từng hộ xin thuê lại ruộng để cấy lúa.

Cuối năm 2016, hơn 100 gia đình đã đồng ý cho anh Kiên thuê gần 11ha ruộng trong 10 năm để sản xuất với mức phí thuê 60kg thóc/sào/năm. Ngoài 2 máy cày đã có từ trước, từ năm 2017 đến nay, anh Kiên đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy thóc, xây dựng nhà kho… Vụ xuân năm 2017, anh gieo cấy 10,7ha lúa thì đến vụ mùa năm 2019, anh thuê lại và gieo cấy 25ha với giống lúa chủ yếu là T10, Bắc thơm, Tám thơm. Anh Kiên cho biết: Các công đoạn cấy, chăm sóc, gặt lúa được cơ giới hóa nhờ máy cày, máy cấy, máy gặt, máy bay phun sâu, máy cắt cỏ, giảm sức lao động rất nhiều mà hiệu quả sản xuất tăng. Tuân thủ nghiêm quy trình, biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất lúa của anh Kiên luôn đạt khoảng 2 tạ/sào, anh nhẩm tính, mỗi vụ anh có lãi từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/sào. Bên cạnh đó, anh mở thêm dịch vụ máy gặt, máy cấy và sấy thóc phục vụ bà con nông dân. Anh Kiên cho biết, năm nay anh chuẩn bị trồng khoảng 15ha cây vụ đông, thời gian tới anh dự định sẽ đầu tư để sản xuất rau an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Nuôi gà ri lai lãi hơn 20 triệu đồng/1.000 con

Nếu như anh Kiên mê cái người ta chán, tích tụ ruộng để cấy lúa thì anh Hoàng Thanh Liêm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Khai (huyện Hưng Hà) chọn nuôi rà ri lai để làm giàu.

Năm 2010, anh Liêm đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 1.000 con gà ri lai giống về nuôi. Anh làm đệm lót sinh học nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; mua giống và thức ăn chăn nuôi bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Theo anh Liêm, gà ri lai là giống dễ nuôi, ăn khỏe, nhanh lớn, ít bệnh, khi gà còn nhỏ anh Liêm cho ăn thức ăn công nghiệp, đến khi gà được khoảng hơn 1kg, anh cho ăn xen kẽ thức ăn công nghiệp và ngô, thóc nên thịt ngon và săn chắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ðể đạt hiệu quả cao, tránh rủi ro trong chăn nuôi, công tác vệ sinh phòng dịch được anh Liêm coi trọng. Ngoài việc thường xuyên theo dõi, tiêm vắc – xin phòng bệnh, anh đã tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thú y, nâng cao kiến thức về vệ sinh phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, mỗi lứa, anh Liêm nuôi khoảng 2.000 con gà ri lai, mỗi năm anh xuất bán 6 lứa, cho thu lãi từ 20 – 25 triệu đồng/1.000 con gà thương phẩm.

Khởi nghiệp sáng tạo

Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Thanh niên thành phố Thái Bình, nay là HTX Sáng tạo trẻ không còn xa lạ với nhiều bà nội trợ trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn do thanh niên sáng lập nên. Anh Nguyễn Đình Chinh, tổ 20, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) là một trong 7 thành viên sáng lập.

Anh Chinh cho biết: Hiện nay, HTX đã bao tiêu sản phẩm nông sản sạch của 5 cơ sở trong đó có cơ sở do thanh niên làm chủ đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm của HTX đang phục vụ 3 công ty, 1 bệnh viện và 5 trường học trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Với cửa hàng thực phẩm an toàn, doanh thu trong 6 tháng đạt 968 triệu đồng, tạo việc làm cho 8 đoàn viên thanh niên, thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ là thành viên sáng lập HTX Sáng tạo trẻ, anh Chinh và gia đình còn được biết đến với mô hình làm giàu từ trồng cây quất cảnh. Mặc dù anh trồng quất cảnh từ năm 2014 nhưng do luôn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để làm cây quất Bonsai và quất mini có những thế đẹp, độc, lạ nên vườn quất cảnh của gia đình anh luôn thu hút khách mua. Thành công từ cây quất cảnh, anh và gia đình đầu tư mở rộng diện tích trồng quất và trồng thêm đào, bưởi tết. Hiện tại, anh và gia đình có hơn 1.000 cây quất, đào cảnh, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

Anh Kiên, anh Liêm, anh Chinh là 3 trong rất nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. Họ đã chứng minh rằng, không phải cứ đi xa mới lập nghiệp được mà bằng trí tuệ, bằng sức trẻ, bằng bản lĩnh, họ có thể thành công ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Ông Phạm Hải Đàm, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Cách, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà

Trong giai đoạn hiện nay, công tác đoàn và phong trào thanh niên nhất là tập hợp đoàn kết thanh niên rất khó khăn. Muốn thanh niên tham gia vào các hoạt động đoàn tại địa phương thì cán bộ đoàn, đảng viên trẻ phải gương mẫu trong các phong trào. Một trong số đó là phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, tạo được việc làm ổn định cho thanh niên. Tôi cho rằng mô hình nuôi gà ri lai của anh Liêm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Khai và các mô hình làm giàu khác của rất nhiều cán bộ đoàn, đoàn viên, đảng viên trẻ khác cũng là để thanh niên học tập, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ.

Anh Phạm Đình Chinh, tổ 20, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình

Tôi muốn phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, sự sáng tạo của tuổi trẻ nên đã cùng các thành viên sáng lập HTX Sáng tạo trẻ với mô hình cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn. Mô hình nhằm giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do đoàn viên thanh niên và người dân sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Ngoài ra, tham gia HTX, chúng tôi có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng.

Anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Ô Mễ 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư

Khi có ý định thuê lại ruộng của nhân dân để cấy lúa với diện tích lớn, người thân trong gia đình mừng thì ít, lo thì nhiều. Bởi nhiều người cho rằng, làm nông nghiệp trên mảnh ruộng người ta đã chán thì lấy đâu ra lãi. Nhưng mình kiên định,  quyết tâm và tin tưởng vào tính toán của mình: chỉ gieo cấy một vài sào ruộng thì chỉ đủ ăn, không có lãi. Nhưng nếu thay đổi tập quán, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn sẽ thành công.


Xuân Phương

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày