Thứ 7, 16/11/2024, 00:17[GMT+7]

Quản lý, điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp tại trạm y tế

Thứ 6, 08/11/2019 | 08:04:34
2,674 lượt xem
Các bệnh không lây nhiễm đang được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể được quản lý và điều trị tốt tại tuyến y tế cơ sở.

Tuyên truyền phòng chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Để lấp khoảng trống và nêu cao vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, ngành Y tế đang triển khai mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế.

Đã có 42 trạm y tế của 8 huyện được chọn để triển khai mô hình quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm đối với ĐTĐ và tăng huyết áp. Các trạm y tế lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm đều là các xã xa trung tâm, cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo đủ phòng làm việc, trang thiết bị dụng cụ, thuốc men theo quy định của Bộ Y tế và có bác sĩ làm việc thường xuyên, uy tín tại trạm y tế. Tại huyện Tiền Hải, Bác sĩ Nguyễn Thị Xuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế Tiền Hải cho biết tại hai bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải đang quản lý điều trị cho 4000 mắc ĐTĐ trong đó Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải có 2800 bệnh nhân, Bệnh viện đa khoa Nam Tiền Hải có 1200 bệnh nhân. Thực hiện chỉ đạo của ngành về triển khai thực hiện mô hình quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế, trước mắt là bàn giao điều trị bệnh nhân ĐTĐ về trạm y tế, Trung tâm đã phối hợp với hai bệnh viện huyện lựa chọn các trạm y tế có cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ vững và tiến hành đào tạo, tập huấn chuyên sâu đủ điều kiện đáp ứng với nhiệm vụ quản lý, điều trị mới tiến hành bàn giao bệnh nhân về điều trị. Đợt đầu có 3 trạm y tế tiếp nhận bệnh nhân ĐTĐ là trạm y tế các xã An Ninh, Đông Quý, Vân Trường với 60 bệnh nhân, phấn đấu đến hết năm 2019, toàn huyện sẽ có 10 trạm y tế thực hiện tiếp nhận quản lý, điều trị bệnh nhân ĐTĐ.

Bác sĩ Phạm Văn Dưỡng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải cũng chia sẻ số lượng bệnh nhân mắc ĐTĐ, THA ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân gây quá tải bệnh viện, dẫn đến việc quản lý, điều trị cho bệnh nhân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc Sở Y tế chỉ đạo đưa bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm về điều trị tại trạm y tế cơ sở là một chủ trương đúng và cần thiết vừa nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, phát huy vai trò của trạm y tế y tế cơ sở đồng thời còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Trong quá trình chuyển bệnh nhân về trạm y tế quản lý, điều trị, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn phải đặt chất lượng điều trị và sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu, tuân thủ nguyên tắc chỉ lựa chọn chuyển những bệnh nhân đã được điều trị ổn định, chưa có biến chứng, có đủ điều kiện đáp ứng với việc điều trị tại trạm y tế cơ sở. Theo bác sĩ Phạm Văn Dưỡng, tại Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải sẽ có khoảng 40% bệnh nhân đường huyết đã được điều trị ổn định, chưa có biến chứng hoàn toàn có thể quản lý và điều trị tại trạm y tế mà không nhất thiết phải điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện, vừa gây quá tải bệnh viện, vừa gây khó khăn cho bệnh nhân trong quá trình di chuyển, điều trị.

Bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Quá trình triển khai mô hình tại y tế cơ sở chia theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu triển khai thí điểm ở 42 trạm y tế. Việc triển khai thí điểm mô hình sẽ giúp ngành Y tế tận dụng hiệu quả năng lực sẵn có tại các trạm y tế xã, phường trong phát hiện, chẩn đoán bệnh không lây nhiễm. Tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho trạm y tế với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến, phát triển thêm kỹ thuật, thu hút và tăng niềm tin của người bệnh đối với trạm y tế xã…

Tăng cường thông tin về bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế xã An Ninh (Tiền Hải). 

Mục tiêu của hoạt động quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm là nhằm giúp người bệnh không phải tốn kém chi phí đi lại, vẫn tiếp tục lao động, dễ dàng tiếp cận dịch vụ và theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của bản thân ngay tại cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh để người dân được khám, chữa bệnh gần nhà, giảm chi phí điều trị, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra.

Trần Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày