Nữ đạo diễn và những dấu ấn của điện ảnh Việt
Nghề không dành cho phái nữ
Trong một cuộc tọa đàm với chủ đề phụ nữ làm phim được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Gặp gỡ mùa thu lần thứ V, nữ đạo diễn người Mông Cổ Uisenma Borchu từng chia sẻ: Thống kê của các trường đào tạo nghệ thuật trên thế giới cho thấy, 50% số người theo học ở trường điện ảnh là phụ nữ nhưng sau khi ra trường chỉ có khoảng 10% đạo diễn nữ làm nghề đúng với chuyên ngành đào tạo. Đáng nói là số phim do phái nữ làm ra mỗi năm, kể cả ở những hãng phim lớn của Hollywood, cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Điều đó cho thấy số đạo diễn nữ làm nghề và có cơ hội làm phim chiếm số lượng rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do công việc đạo diễn điện ảnh đòi hỏi yêu cầu rất khắt khe mà phụ nữ khó có thể đáp ứng tốt so với cánh mày râu, như là về sức khỏe, sự dẻo dai... Đó là chưa kể phụ nữ còn chịu nhiều áp lực trong vai trò giữ lửa gia đình...
Nói về phái nữ làm phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định: “Làm phim thực sự là công việc nặng nhọc với sức vóc phụ nữ”. Mặc dù điều kiện làm phim mỗi ngày một tốt hơn, mở ra cánh cửa để phụ nữ có thể chọn nghề đạo diễn nhưng áp lực nghề nghiệp rất lớn đã cản trở phụ nữ đến với công việc này. Người phụ nữ bước vào vị trí chỉ huy trên trường quay thực sự là người rất dũng cảm. Cũng theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trong điều kiện làm phim hiện nay, còn có một lực cản khác, đó là định kiến của nhà sản xuất khi họ ngại trao dự án cho phụ nữ. Bởi thế, phụ nữ muốn theo con đường điện ảnh dài lâu thì phải tạo được thành công mang tính đột phá ngay từ phim đầu tay.
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Ghi danh vào lịch sử điện ảnh Việt Nam
Tuy có những rào cản liên quan tới đặc tính nghề nghiệp nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn chứng kiến sự thành công vượt trội của một số đạo diễn nữ, họ đã và đang tạo ra dấu ấn đáng kể trong lịch sử điện ảnh Việt.
Cố đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp (1929 - 2013) là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Bà theo học lớp đạo diễn đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam năm 1959. Sau khi ra trường, bà thực hiện bộ phim đầu tay Trần Quốc Toản ra quân và ngay lập tức giành được giải Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II (năm 1973). Đạo diễn Bạch Diệp đã ghi danh trong lịch sử điện ảnh Việt Nam với những bộ phim Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ, Kẻ không cầu may, Hoa ban đỏ... cùng rất nhiều giải thưởng điện ảnh. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1997.
Trong nhiều thập niên sau đó, lịch sử điện ảnh Việt Nam chỉ ghi nhận vài tên tuổi đạo diễn nữ. Năm 1978, nghệ sĩ Đức Hoàn được biết đến với tư cách nữ đạo diễn qua tác phẩm Từ một cánh rừng. Năm 1986, với bộ phim Nơi bình yên chim hót, đạo diễn Việt Linh ghi tên mình vào danh sách đạo diễn nữ. Năm 1996, nữ đạo diễn Nhuệ Giang tạo dấu ấn với bộ phim nhựa đầu tay Bỏ trốn... Dẫu chỉ là số ít song các nữ đạo diễn này đều tạo dấu ấn đặc biệt khiến nam giới phải nể phục khi nhận nhiều giải thưởng điện ảnh cũng như sự tán thưởng của khán giả.
Mười năm gần đây, điện ảnh Việt xuất hiện một thế hệ đạo diễn nữ. Hồng Ánh, Đặng Thái Huyền, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Điệp, Kathy Uyên, Luk Vân... là những cá tính nổi trội. Dòng phim nghệ thuật có một Hồng Ánh đậm suy tư qua Đảo của dân ngụ cư. Đặng Thái Huyền thành công với loạt phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến như: Mười ba bến nước, Người trở về, Nơi ta không thuộc về... Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định mình là một trong số ít đạo diễn làm phim độc lập gặt hái nhiều thành công với Đập cánh giữa không trung. Trong “cuộc chiến” ngoài rạp chiếu, Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên chứng tỏ mình có khả năng vượt mặt giới mày râu với nhiều bộ phim đình đám đem lại doanh thu phòng vé rất cao như: Tấm Cám chuyện chưa kể, Chị chị em em.
Gần đây, một số dự án đáng chú ý của các nhà làm phim nữ được công bố, cho thấy quyết tâm của họ trong việc chinh phục nghệ thuật thứ bảy, ngay cả ở những đề tài được coi là rất khó. Có thể kể đến dự án phim dã sử Quỳnh hoa nhất dạ do Thanh Hằng sản xuất, phim cổ trang Kiều do Mai Thu Huyền đạo diễn, phim về siêu anh hùng Vinaman do Ngô Thanh Vân sản xuất, phim Huyền sử Trưng Vương do Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô sản xuất...
Rõ ràng, dù đạo diễn điện ảnh là nghề đầy khó khăn với phái nữ, song với tình yêu điện ảnh lớn lao, những “bóng hồng” đã thực sự để lại dấu ấn khó quên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Theo hanoimoi.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Cõng anh mà chạy được Time bình chọn là Phim truyền hình Hàn Quốc của năm 2024 04.06.2024 | 14:10 PM
- Khai mạc đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc 26.04.2024 | 18:22 PM
- 'Joker 2' tung trailer 11.04.2024 | 10:56 AM
- Giới thiệu hai bộ phim hoạt hình dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 26.03.2024 | 05:36 AM
- Tuần lễ Phim Quốc tế về thiên nhiên lần thứ 2 tại Việt Nam 20.03.2024 | 10:49 AM
- Vịnh Hạ Long xuất hiện trong phim của Hollywood 21.09.2023 | 15:05 PM
- "Jurassic Park" ba thập niên chinh phục khán giả 05.07.2023 | 10:47 AM
- Phát sóng rộng rãi bộ phim “Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển” 24.11.2022 | 09:29 AM
- Công diễn, báo cáo hội đồng nghệ thuật vở chèo "Thiên duyên huyền tích" 29.09.2022 | 15:35 PM
- Nỗ lực phục hồi, phát triển sân khấu truyền thống 07.09.2022 | 08:54 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh