Thứ 7, 23/11/2024, 10:24[GMT+7]

Trao 3 Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024

Thứ 5, 27/06/2024 | 17:13:07
4,424 lượt xem
Tối 26/6, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 (do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tổ chức) đã chính thức bế mạc tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trao Huy chương Vàng cho các đơn vị nghệ thuật có vở diễn xuất sắc.

Liên hoan nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật kịch nói; là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật kịch nói phục vụ nhân dân.

Thông qua Liên hoan, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng có thể đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật kịch nói, kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật kịch nói phát triển phù hợp thực tế đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân.

Diễn ra trong hơn 2 tuần (bắt đầu từ ngày 11/6), Liên hoan là cuộc tranh tài của 19 đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, với 23 vở diễn đặc sắc.

Đánh giá tổng kết về chất lượng nghệ thuật của Liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan nhận định: Điểm sáng là đã xuất hiện một số kịch bản đề cập những vấn đề xã hội đương thời, tạo ra "mảnh đất" cho đạo diễn khai thác, gieo trồng để tạo mùa gặt bội thu. Từ Liên hoan, đã tìm thấy những vở diễn làm bùng nổ cảm xúc của người xem như Đêm trắng (Nhà hát Kịch Việt Nam), Vòng tròn bội bạc (Nhà hát Kịch Hà Nội), Bắt quỷ (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)...

Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Liên hoan cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là: hầu hết kịch bản được viết từ khá lâu, không có kịch bản xuất xứ từ trại sáng tác kịch bản, kịch bản của tác giả trẻ càng hiếm; ít kịch bản khai thác những vấn đề nóng bỏng của xã hội hôm nay; một số vở không tìm được hình thức mới cho nội dung cũ; thiếu vắng sự sáng tạo trong thiết kế sân khấu của một số vở diễn; nhiều vở chưa chú trọng đầu tư cho yếu tố âm nhạc trong vở diễn...

Phát biểu bế mạc Liên hoan, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết nhất trí cao với đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Liên hoan.

“Với cái nhìn tổng quan về Liên hoan, có thể thấy sân khấu kịch nói đang có nhiều thay đổi, đã có nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh phong phú, mới và có giá trị dự báo. Liên hoan với nhiều mảng đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị đã được các đơn vị nghệ thuật thể hiện nghiêm túc, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, có tính thời sự cao, hữu ích cho xã hội. Các nghệ sĩ, diễn viên dự thi thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng khẳng định Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động hết sức cần thiết, cần được duy trì, nâng cao về quy mô và chất lượng. Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng làm lực lượng kế cận.

Thứ trưởng đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung; kịch nói nói riêng. Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị nghệ thuật, nhà hát tiếp tục chú trọng, tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật biểu diễn, nhất là các tài năng trẻ, phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực của đơn vị.

Tại Lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở: Đêm trắng (Nhà hát Kịch Việt Nam), Vòng tròn bội bạc (Nhà hát Kịch Hà Nội), Bắt quỷ (Đoàn Kịch nói Hải Phòng).

Cùng với đó là 5 Huy chương Bạc cho các vở diễn: Búp bê (Sân khấu LucTeam), Hai người mẹ (Công ty TNHH MTV XTTM và Tổ chức biểu diễn TKC), Vầng trăng trinh liệt (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Trả giá (Nhà hát Kịch Công an nhân dân), Tia nắng cuối đường (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn).

Ban tổ chức cũng trao 32 Huy chương Vàng, 49 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc.

Ngoài ra, còn có 3 giải Xuất sắc dành cho các thành phần sáng tạo, bao gồm: Tác giả xuất sắc (Chu Lai, vở Vòng tròn bội bạc); Đạo diễn xuất sắc (Trần Lực, vở Búp bê); Họa sỹ xuất sắc (Đỗ Doãn Bằng, vở Bến nước thời gian - Nhà hát Tuổi trẻ). 

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày