Thứ 7, 23/11/2024, 18:28[GMT+7]

Vốn FDI vào Việt Nam tăng trở lại

Thứ 3, 01/08/2023 | 09:35:27
723 lượt xem
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến hết tháng 7 đã tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.

Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu đang giảm sút thời gian qua. Tuy nhiên, tăng trở lại cũng là thách thức khi dòng đầu tư luôn có sự thay đổi, phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh như thế nào để sự tăng trưởng này là bền vững.

Dự án đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh ASEAN kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạng lưới giao nhận vận tải nhanh và hiệu quả hơn ở Việt Nam cũng như khu vực. Với một dự án, nhà đầu tư đã lựa chọn và đánh giá cơ hội từ nhiều điểm đến để quyết định. Với họ, Việt Nam đáp ứng được câu chuyện dài hạn.

Bà Chan Yoke Ping - Tổng giám đốc T&Y SuperPort Vĩnh Phúc cho biết: "Những ngành như chúng tôi cần đi trước để đón đầu và phục vụ cho các ngành sản xuất đang phát triển tại Việt Nam. Một dự án đầu tư phải có thời gian nghiên cứu kỹ càng và khi đầu tư cũng là lâu dài nên chúng tôi nhìn vào những yếu tố ổn định của Việt Nam để quyết định đầu tư".

Trong khu vực, Việt Nam vẫn là quốc gia có lượng vốn đổ vào cao, 7 tháng qua là 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý cả vốn đăng ký mới và đầu tư qua vốn góp đều tăng.  Quan trọng hơn vốn giải ngân cũng đang tăng lên, có 11,58 tỷ USD đã được hiện thực hóa trong 7 tháng qua, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài những chính sách thu hút hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tiếp tục tăng tốc để phục hồi mạnh mẽ hay không phụ thuộc rất lớn vào phản ứng chính sách của Việt Nam với những vấn đề kinh tế mang tính toàn cầu.

Ông Kok Ping Soon - Giám đốc Điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cho biết: "Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là Việt Nam xử lý câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này rất quan trọng bởi chính sách ưu đãi và chính sách thuế là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư lựa chọn bỏ vốn vào đâu".

Cơ hội vẫn đang được mở ra, tuy vậy các nhà đầu tư luôn có nhiều lựa chọn, vì thế nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để Việt Nam giữ vững được sự hấp dẫn của mình đối với dòng vốn FDI.

Theo vtv.vn