Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Địa chỉ đỏ để các nhà báo hướng về nguồn
Các nhà báo tham quan di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Noi theo tấm gương chí sĩ yêu nước hết lòng vì dân tộc
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, như lời nhắc nhở tất cả đội ngũ làm báo phải noi theo gương sáng của cụ Huỳnh Thúc Kháng, phấn đấu trở thành người có học hành rộng, chí khí bền, đạo đức cao. Tới thăm Trường dạy làm báo, mỗi phóng viên cơ quan báo chí có dịp hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng - người đã dùng “ngòi bút” để đấu tranh với thực dân Pháp. 13 tuổi đã biết làm văn, 16 tuổi đi thi hương, 29 tuổi đỗ tiến sĩ và nổi danh là một trong những người hay chữ nhất ở Kinh đô Huế thời kỳ đó. Cụ Huỳnh Thúc Kháng không làm quan mà cùng những sĩ phu yêu nước khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Sau 13 năm bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn quyết liệt đòi quyền lợi cho dân, cho nước. Cụ sáng lập báo Tiếng dân, làm chủ nhiệm, đồng thời là chủ bút suốt 16 năm (1927 - 1943) với 1.766 số báo được xuất bản.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch Chính phủ.
Không chỉ là chí sĩ yêu nước, nhà lãnh đạo tài ba, trong lĩnh vực báo chí, cụ Huỳnh Thúc Kháng dùng ngòi bút để bênh vực cho quyền sống, quyền tự do của đồng bào mình, chĩa mũi nhọn đả kích vào chính quyền thực dân phong kiến. Cụ còn có nhiều bài viết góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời năm 1947.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền báo chí trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí kháng chiến xúc tiến việc thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khóa học đầu tiên và duy nhất của Trường có 42 học viên là những người đang công tác tại các báo chí trung ương và địa phương. Đội ngũ giảng viên của Trường hùng hậu, gồm các nhà hoạt động chính trị xuất sắc, các nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đã có 2 lần gửi thư động viên tinh thần dạy và học của thầy trò nhà trường.
Địa chỉ đỏ để các nhà báo hướng về nguồn
Di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ tái hiện lịch sử mà còn mang tính mỹ thuật cao. Công trình gồm: bảo tàng thu nhỏ dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m²; ngôi nhà sàn phỏng dựng Tổng bộ Việt Minh; phù điêu 48 chân dung; hội trường trong lòng đồi chứa khoảng 150 người; quảng trường nhỏ 200m²; cùng không gian cây xanh thoáng đãng.
Tới thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, mỗi người làm báo đều xúc động trước những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những học viên đầu tiên của Trường: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”; “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”...
Trong khuôn viên bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hiện còn lưu giữ, trưng bày bút tích của các giảng viên như: đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà báo Đỗ Đức Dục, nhà báo Quang Đạm, nhà báo Hoàng Tuấn… Ngoài ra, còn có những kỷ vật được trưng bày như: chiếc máy in hiệu Platen Press, tài liệu báo chí kháng chiến; chiếc xe đạp Peugeot gắn với nhà báo Trịnh Hoàng Đạm, nguyên phóng viên báo Cứu Quốc. Chiếc xe đã được dùng làm phương tiện hoạt động cách mạng và tuyên truyền báo chí trong khối dân vận giai đoạn 1950 - 1952.
Các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được coi là trung đội chiến sĩ mới trên mặt trận báo chí.
Mỗi kỷ vật được trưng bày, mỗi lời căn dặn dành cho 42 học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đều tạo nên niềm xúc động sâu sắc đối với thế hệ những người làm báo hôm nay. Đó cũng là những bài học lịch sử để các thế hệ nhà báo tự soi lại mình trong suốt quá trình làm nghề, sao cho xứng đáng với truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Không ngại gian khó dấn thân vì dòng chảy thông tin 23.06.2025 | 06:27 AM
- Khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2025 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 19.06.2025 | 18:35 PM
- Khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2025 19.06.2025 | 16:24 PM
- Ra mắt bộ tem đặc biệt Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 19.06.2025 | 15:24 PM
- Ra mắt bộ sách với những cập nhật chuyên sâu cho nhà báo thời đại số 19.06.2025 | 12:23 PM
- U70 vẫn miệt mài với truyền thanh cơ sở 19.06.2025 | 10:52 AM
- Báo Thái Bình đến với Trường Sa 18.06.2025 | 11:40 AM
- Chạm vào ký ức báo chí giữa ‘Thủ đô gió ngàn’ 17.06.2025 | 11:19 AM
- Những “phóng viên” ngành y 17.06.2025 | 08:58 AM
- 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam: "Bài học vàng" của nhà báo Nguyễn Ái Quốc 16.06.2025 | 20:55 PM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam