Thứ 3, 19/11/2024, 21:28[GMT+7]

Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 1.700.000

Thứ 7, 11/04/2020 | 15:54:07
1,427 lượt xem
Trong tổng số 210 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi đại dịch nguy hiểm này, Mỹ đứng đầu về số ca mắc COVID-19 với 502.876 ca.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 từ một nhà xác dã chiến tới Trung tâm y tế Do thái Kingsbrook ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 8/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang tin thống kê WorldOmeters, tính đến 6h30 GMT ngày 11/4 (13h30 giờ Hà Nội), số ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới 1.700.007 ca, trong đó có 102.751 ca tử vong và 376.529 ca hồi phục.

Trong tổng số 210 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi đại dịch nguy hiểm này, Mỹ đứng đầu về số ca mắc COVID-19 với 502.876 ca, theo sau là Tây Ban Nha và Italy với số ca mắc lần lượt là 158.273 và 147.577. 

Xét về số ca tử vong, Italy là nước có số ca tử vong nhiều nhất với 18.849 ca, Mỹ theo sát với 18.747 ca.

Tại khu vực châu Á, chính quyền Singapore thông báo nước này đã ghi nhận thêm 198 ca mắc và 1 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 10/4.

Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại đây tăng lên 2.108 ca với 7 ca tử vong trong bối cảnh Singapore đang nỗ lực đối phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn 2.

Các điểm nóng về dịch bệnh tại Singapore chủ yếu tập trung tại các khu nhà ở của hàng chục nghìn lao động nhập cư, với hơn 500 ca mắc được ghi nhận tại những khu này.

Nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng, nhà chức trách đã tiến hành cách ly một số khu nhà ở của lao động nước ngoài và sơ tán nhiều lao động đến khu vực khác.

Hiện Singapore đang siết chặt các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đóng cửa đa số nơi làm việc, trong bối cảnh số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt trong tháng 4 này.

Singapore là một trong những nước đầu tiên thông báo các ca mắc sau khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.

Singapore hạn chế dịch bệnh lây lan nhanh nhờ các biện pháp nghiêm ngặt gồm xét nghiệm và theo dõi quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Số ca mắc thấp so với mặt bằng chung của thế giới, nhưng giới quan sát cảnh báo các nước cần luôn cảnh giác ngay cả khi những nước này dường như đã kiểm soát được dịch bệnh.

Một số nước tại châu Á duy trì số ca mắc ở mức thấp trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, song đang đối mặt với nguy cơ dịch tái bùng phát khi những ca bệnh từ nước ngoài về và số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng.

Tại Campuchia, Bộ Y tế ngày 11/4  thông báo đã phát hiện thêm một ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 120 người.

Tính đến hết ngày 10/4, Campuchia có thêm 3 bệnh nhân bình phục và xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân được chữa khỏi lên 75 người.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác cùng ngày 11/4 đã bắt đầu áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp, theo đó người dân được khuyến cáo nên ở nhà và các cơ sở kinh doanh mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu tạm thời đóng cửa để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản.

Đối với khu vực Trung Đông, tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bộ Y tế thông báo thêm 370 ca mới, nâng tổng số ca tại đây lên 3.360 ca. Số ca tử vong tăng thêm 2 ca lên 16 ca. Trong khi đó, đã có thêm 150 người được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện tại UAE lên 418 ca.

Tại Qatar, Bộ Y tế nước này cho biết thêm 136 ca mới cùng ngày 10/4, nâng tổng số ca tại đây lên 2.512 ca. Hiện số ca tử vong tại Qatar vẫn là 6 ca. Trong khi đó, thêm 21 người đã xuất viện sau khi bình phục, nâng tổng số ca được chữa khỏi bệnh tại Qatar lên 227 ca.

Tại Iraq, Bộ Y tế nước này cùng ngày xác nhận thêm 47 ca và 1 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tại đây lên 1.279 với 70 ca tử vong.

Tại châu Phi, phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn số liệu của Ủy ban giám sát đại dịch COVID-19 của nước này cho biết tính đến chiều 10/4 (giờ địa phương), Algeria ghi nhận thêm 95 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở quốc gia này lên lần lượt là 1.761 ca và 256 ca. Bên cạnh đó, tổng cộng 90 bệnh nhân COVID-19 tại Algeria đã được chữa khỏi.

Hiện dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 45/48 tỉnh, thành phố tại quốc gia này. Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria xếp thứ 3 ở châu Phi về tổng số lượng người mắc bệnh, sau Nam Phi và Ai Cập, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Phi, với tỷ lệ trên 14%.

Algeria đang trong tình trạng báo động dịch bệnh cao nhất, chính phủ yêu cầu người dân tôn trọng các quy định về phòng chống dich bệnh, ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

Ngày 10/4, chính phủ Senegal đã ban bố lệnh cấm các công ty của nước này sa thải người lao động trong giai đoạn đại dịch, trừ những trường hợp thiếu trách nhiệm, chểnh mảng gây hậu quả nghiêm trọng. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 14/4.

Các doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện tuỳ chọn các biện pháp như giảm giờ làm việc hoặc làm việc theo ca, thay vì cho nhân viên tạm nghỉ việc.

Chính phủ Senegal thông báo hàng nghìn công nhân nước này về khả năng chậm lương do tác động của dịch.

Cho đến nay, Senegal đã ghi nhận 265 trường hợp dương tính với virus, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Các chuyên gia y tế nhận định tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở Senegal thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực và nhiều nơi khác trên thế giới.  

Cũng trong ngày 10/4, chính phủ Senegal cũng triển khai gói viện trợ lương thực cho những người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở khu vực ven biển thủ đô Dakar. Chính quyền đã trao khoảng 400 tấn gạo, hàng nghìn gói đường và các nhu yếu phẩm khác cho những người dân nghèo.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 40% dân số Senegal đang sống với mức thu nhập dưới 1,9 USD/ ngày./.

Theo vietnamplus.vn