Thứ 4, 20/11/2024, 00:25[GMT+7]

Châu Âu đồng loạt chỉ trích Mỹ ngưng đóng góp tài chính cho WHO

Thứ 5, 16/04/2020 | 08:30:52
1,418 lượt xem
Một loạt các quan chức cấp cao tại châu Âu đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng đóng góp tài chính cho WHO.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Global News

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc Mỹ ngưng đóng góp tài chính cho WHO và bày tỏ ý định điều tra các phản ứng của tổ chức này trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas là quan chức cấp cao châu Âu đầu tiên lên tiếng phản ứng.

Trong thông điệp gửi đi trên mạng xã hội Twitter sáng ngày 15/04, ông Heiko Maas tuyên bố “việc tố cáo buộc tội nhau không giúp ích được gì, virus không quan tâm đến biên giới nên tất cả phải hợp tác cùng nhau để chống lại Covid-19”.

Ông Heiko Maas cũng nói thêm rằng Liên hiệp quốc, và đặc biệt là tổ chức có ngân sách được đóng góp ít ỏi như WHO, là những thiết chế tốt nhất để phát triển và phân phối các xét nghiệm cũng như vắc-xin chống lại đại dịch Covid-19.  

Tại Cộng hoà Ireland, Phó Thủ tướng nước này Simon Coveney đánh giá quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “không thể bảo vệ được trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vì rất nhiều quốc gia dễ bị tổn thương vì đại dịch đang dựa vào sự giúp đỡ của WHO”.

Đồng quan điểm này, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cũng tuyên bố “không có bất cứ lí do nào biện minh được cho hành động của Mỹ vào thời điểm mà các nỗ lực của Mỹ là cần thiết hơn bao giờ hết trong việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch”.

Trả lời tờ DW của Đức, cựu Thủ tướng Anh, Gordon Brown đánh giá, hành động của Tổng thống Mỹ không chỉ là bất hợp lý mà còn gây hại cho chính mình bởi lẽ để bảo vệ mình thì các nước như Mỹ hay Đức phải có các hành động ở quy mô toàn cầu.         

“Nếu đại dịch này có các làn sóng thứ hai hay thứ ba tại châu Phi, hay ở các nước đang phát triển thì khi đó nó sẽ quay lại phương Tây. Và khi đó chính phương Tây sẽ là bên đáng bị chỉ trích vì đã không giúp các nước châu Phi, trong khi WHO đang cố gắng bảo vệ bởi các nước này, bởi đây là các nước có hệ thống y tế kém phát triển và an sinh xã hội yếu kém nên sẽ không thể áp việc giãn cách xã hội hay các biện pháp khác mà phương Tây đang áp dụng”, ông Brown nói.

Trong ngày 15/4, người phát ngôn Chính phủ Anh cũng tuyên bố, nước Anh không hành động theo Mỹ vì WHO có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các kế hoạch ứng phó trên toàn cầu với đại dịch hiện nay. Tuần trước, chính phủ Anh đã công bố đóng góp 200 triệu bảng cho WHO.

Ở cấp độ Liên minh châu Âu, trong tuần trước Uỷ ban châu Âu cũng đã họp bàn với các quốc gia thành viên và thống nhất chi đến trên 20 tỷ euro để trợ giúp các nước trên toàn thế giới chống lại đại dịch Covid-19, trong đó chủ yếu là các quốc gia châu Phi, châu Mỹ latin và một số nước láng giềng của EU tại Đông Âu, Balkan và Trung Đông./.

Theo vov.vn