Thứ 5, 14/11/2024, 11:15[GMT+7]

Biến thể Delta đe dọa những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh

Chủ nhật, 27/06/2021 | 15:19:45
977 lượt xem
Biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, gây ra các làn sóng lây nhiễm mới ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, nhiều nước trên toàn cầu hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Giới chuyên gia cảnh báo, cần tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để kiềm chế dịch bệnh.

Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay. Biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ông Ghebreyesus nhận định, dịch bệnh đang gia tăng trở lại trên khắp thế giới là do các nước nới lỏng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 4. Ở châu Âu, tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh.

Biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn từ 40 - 60% so với biến thể Alpha. Biến thể cũng được cho là có thể lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu gây ra làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

Tại Mỹ, số liệu công bố vào tuần trước cho thấy, 35% số ca bệnh mới là nhiễm biến thể Delta, tăng từ khoảng 10% ghi nhận vào ngày 5/6. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Israel.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính, số ca nhiễm biến thể Delta có thể chiếm đến 70% số ca bệnh mới ở Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 8 và lên đến 90% vào cuối tháng 8.

Hiện số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại ở Nga, Australia, Israel và ở nhiều khu vực tại châu Phi và một phần là do biến thể Delta. Các quốc gia khác cũng đang lo ngại dịch bệnh sẽ quay trở lại nước họ.

Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiểm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Theo một số nghiên cứu, các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay dù chưa thực sự hiệu quả trong phòng ngừa biến thể Delta nhưng vẫn cho thấy hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều.

Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cho thấy, nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.

Do lo ngại các biến thể có nguy cơ lây nhiễm cao, ngày 25/6, Đức đã đưa Bồ Đào Nha và Nga vào danh sách các nước có sự lây lan của biến thể, theo đó cấm hầu hết những hành khách đến từ hai quốc gia này. Từ ngày 29/6 tới, chỉ công dân và những người cư trú tại Đức mới được phép trở về nước này từ Nga và Bồ Đào Nha, còn những hành khách khác sẽ bị cấm.

Tuy nhiên, những người nhập cảnh vào Đức từ hai quốc gia trên sẽ phải thực hiện cách ly 2 tuần dù có xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Hiện cả Nga và Bồ Đào Nha đều thông báo về sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta.

Theo vtv.vn