Thứ 7, 23/11/2024, 19:15[GMT+7]

Indonesia có số ca mắc mới cao kỷ lục, Campuchia tin tưởng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng "trong tầm tay"

Thứ 2, 28/06/2021 | 09:39:43
878 lượt xem
Đến sáng 28/6, thế giới có trên 181,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,93 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 181,7 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,4 triệu ca mắc và hơn 619.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 3.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/6, nước này ghi nhận gần 46.600 ca mắc mới COVID-19 và 973 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 396.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27/6 kêu gọi người dân khắc phục tâm lý ngần ngại và đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt. Nhiều bang ở Ấn Độ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta có tỷ lệ lây nhiễm cao. Hiện Ấn Độ đang đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng cho 940 triệu người trưởng thành tại nước này trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế và nỗi lo về làn sóng dịch thứ 3.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 512.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/6 đã chỉ thị Chính phủ nước này hoàn tất kế hoạch tổ chức tiêm vaccine có thu phí dành cho người nước ngoài tại Nga trước ngày 30/6.

Từ ngày 28/6, thành phố Moscow sẽ áp dụng quy định cho phép những người đã tiêm vaccine COVID-19 đến nhà hàng, quán cà phê một cách thoải mái, trong khi những người chưa tiêm sẽ không được làm điều này. Quy định đang gây những ý kiến trái chiều tại đây. Đây là một thử nghiệm được thống nhất giữa Thị trưởng Moscow và các chủ nhà hàng lớn ở thành phố này nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện quy định chính thức vào ngày 28/6, khi các hàng quán chỉ được cho phép người dân đã tiêm phòng tới.

Thủ đô Moscow đã ghi nhận 144 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, con số cao nhất ghi nhận được tại một thành phố của Nga kể từ khi đại dịch bùng phát. Tổng số ca tử vong trên toàn nước Nga là 133.282 trường hợp, với 599 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày qua. Số ca nhiễm mới trong ngày 27/6 là 20.538 ca, nâng tổng số người mắc bệnh trên cả nước lên trên 5,4 triệu trường hợp. Moscow hiện là tâm dịch tại Nga với khoảng 2.000 người nhập viện mỗi ngày do COVID-19.

Số liệu chính thức được công bố cho thấy, Anh ghi nhận trên 14.800 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 27/6, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên hơn 4,7 triệu trường hợp. Số ca tử vong tại Anh tăng thêm 11 người, lên 128.100 trường hợp.

Số liệu chính thức do Chính phủ Anh công bố cho thấy, số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Anh đã tăng gần 30%, nhưng khẳng định vaccine tiếp tục hạn chế những tác động nghiêm trọng của biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng COVID-19 tại Anh đã làm suy yếu mối liên hệ giữa tình trạng lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. Đây là đánh giá mới Chính phủ Anh vào ngày 27/6.

Indonesia có số ca mắc mới cao kỷ lục, Campuchia tin tưởng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong tầm tay - Ảnh 1.

Moscow sẽ áp dụng quy định cho phép những người đã tiêm vaccine COVID-19 đến nhà hàng, quán cà phê. (Ảnh: AP)

Điều này có nghĩa, tỷ lệ mắc mới ở Anh có tăng nhưng số ca nhập viện điều trị lại ở mức thấp hơn rất nhiều. Đến nay, hơn 80% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một mũi. Nếu kết hợp với các biện pháp hạn chế biên giới nghiêm ngặt kịp thời, Anh vẫn có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn làn sóng lây nhiễm biến thể Delta hiện tại. Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng có thể dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế từ ngày 19/7 tới.

Số bệnh nhân COVID-19 tại Italy mắc 2 loại biến thể Delta và Kappa đã tăng mạnh, chiếm 16,8% số bệnh nhân trong tháng 6, tăng khoảng 4 lần so với hồi tháng 5. Sự lây lan của các biến thể, đặc biệt là biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ đang khiến giới chức y tế Italy lo ngại.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay. Hiện Italy đang tăng cường xét nghiệm, truy vết, giải mã trình tự gene, cũng như đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh. Đến nay, hơn 1/4 dân số nước này đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19.

Thủ đô Bangkok đang là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ 3 ở Thái Lan với khoảng 1.000 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày. Chính phủ Thái Lan đã quyết định đóng cửa những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao thay vì phong tỏa toàn bộ Bangkok và các vùng lân cận. Quyết định được đưa ra nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng về kinh tế có thể có đối với thủ đô Bangkok. Quyết định phong tỏa có chọn lọc của Chính phủ Thái Lan chính thức có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28/6.

Quyết định phong tỏa bao gồm lệnh cấm phục vụ ăn uống tại nhà hàng, quán ăn ở Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận. Các trung tâm mua sắm ở khu vực này cũng phải đóng cửa trước 21h, các hoạt động có sự tham gia của hơn 20 người sẽ bị cấm. Ngoài ra, công trường xây dựng sẽ phải đóng cửa, các khu lán trại của công nhân sẽ bị phong tỏa. Quân đội Thái Lan đã triển khai binh sĩ tới giám sát tất cả các khu lán trại của công nhân do lo ngại các công nhân sẽ về quê và làm lây lan dịch bệnh. Những công nhân mất việc trong thời gian này sẽ được Bộ Lao động bồi thường 50% tiền lương theo quy định về trợ cấp thất nghiệp.

Ngày 27/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo, nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc, mà theo kế hoạch trước đó sẽ được gỡ bỏ vào ngày 28/6. Các biện pháp hạn chế sẽ không được nới lỏng cho tới khi số ca mắc COVID-19 tính theo ngày giảm xuống dưới 4.000 ca.

Trước đó, theo giới chức Malaysia, để bước sang giai đoạn 2 của lệnh phong tỏa hiện nay, cần có các điều kiện là 7 ngày liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 4.000 ca; số ca phải điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm vaccine. Malaysia ghi nhận 5.586 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngày 27/6, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay với 21.342 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên hơn 2,1 triệu người. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia cũng tăng thêm 409 ca, lên tổng cộng là 57.138 người. Hiện Indonesia là quốc gia có tổng số ca bệnh và ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Indonesia có số ca mắc mới cao kỷ lục, Campuchia tin tưởng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong tầm tay - Ảnh 2.

Indonesia ghi nhận 21.342 trường hợp mắc mới trong ngày 27/6, cao nhất từ trước tới nay. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Philippines ngày 27/6 thông báo ghi nhận 6.096 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên trên 1,39 triệu trường hợp. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã tăng lên 24.372 người, tăng 128 trường hợp so với một ngày trước đó. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Leopoldo Vega kêu gọi, người dân duy trì cảnh giác với dịch bệnh trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm biến thể mới Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn cao.

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia cho biết, nhờ sự phối hợp của lực lượng quân y, tính đến ngày 26/6/2021, Campuchia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trên 3,8 triệu người và mục tiêu tiêm phòng cho 4 triệu người sẽ được hoàn thành trong những ngày tới.

Theo số liệu của Ủy ban quốc gia chuyên trách về tiêm phòng COVID-19 của Campuchia, tổng cộng 3.803.169 người sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 2.813.108 đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Theo kế hoạch, Campuchia sẽ tiêm phòng cho 10 triệu người dân trong độ tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.

Bước tiếp theo, Campuchia xem xét tiêm vaccine cho trẻ em và tiêm mũi thứ 3 cho người dân, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã "bật đèn xanh" cho việc tiêm phòng COVID-19 đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Canada. Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đang triển khai kế hoạch tiêm thử nghiệm vaccine do hãng sản xuất đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, trong khi vaccine của hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp cho trẻ từ 3 tuổi.

Với số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh tại nhiều tỉnh, Bộ Y tế Campuchia ngày 27/6 thông báo ghi nhận có thêm 839 ca mắc COVID-19 trên cả nước trong 24 giờ qua, bao gồm 76 ca nhập cảnh, và có thêm 17 ca tử vong vì đại dịch. Như vậy, đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 47.649 ca mắc COVID-19, trong đó 42.157 người đã khỏi bệnh và 540 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 10 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 1 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 9 người nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác sau 48 giờ không có ca mắc mới trong cộng đồng. Việc thủ đô Vientiane ghi nhận 1 ca mắc mới trong cộng đồng sau 2 ngày liên tiếp không có ca nhiễm nào cho thấy, dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng nếu người dân không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh.

Lào vẫn đang phải đối mặt với thách thức và nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng do tình hình dịch bệnh ở các nước có chung đường biên giới với nước này vẫn đang diễn biến phức tạp, nếu để lọt các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp, nguy cơ dịch tái bùng phát là rất cao. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.110 ca nhiễm COVID- 19, trong đó có 3 người tử vong.

Hàn Quốc ngày 27/6 ghi nhận 614 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 570 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm mới trên 600 ca.

Trong vài tháng qua, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hàn Quốc dao động trong khoảng từ 300 đến 700 ca và không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy chiều hướng dịch bệnh giảm do nhiều ổ dịch nhỏ lẻ vẫn bùng phát trên cả nước. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới khi triển khai thực hiện quy định mới về giãn cách xã hội từ ngày 1/7 tới.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc tái áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp cho các khu vực lây nhiễm COVID-19 phức tạp. Hiện khu vực Toyko và 6 tỉnh khác đang trong tình trạng "bán khẩn cấp". Thống đốc các tỉnh này đang được tự quyết định các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, tình hình hiện tại là nhiều khu vực có cả 3 tiêu chí là số ca nhiễm mới, số người với triệu chứng nguy hiểm và số người cần chăm sóc y tế tăng. Ở thủ đô Tokyo, ngày 27/6 có gần 400 ca mới, không giảm so với những tuần trước. Tokyo mới dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được 1 tuần. Olympic Tokyo sẽ bắt đầu diễn ra vào tháng 7. Nhật Bản hiện đã tiêm chủng cho khoảng 9% dân số.

Theo vtv.vn