Thứ 4, 20/11/2024, 22:23[GMT+7]

Mỹ kỳ vọng tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á

Thứ 3, 03/08/2021 | 07:58:32
1,002 lượt xem
Đông Nam Á hiện đang nổi lên thành ưu tiên của Mỹ, với một loạt chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp.

Một sự kiện chính trị khu vực quan trọng diễn ra trong tuần này là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan, với sự tham dự của nhiều đối tác ngoài ASEAN.

Đáng chú ý phải kể đến việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken sẽ có những cuộc họp trực tuyến 5 ngày liền cùng các đối tác Đông Nam Á, một quyết định cho thấy khu vực này là ưu tiên của Mỹ.

Các hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ Blinken bao gồm cuộc họp cùng 10 người đồng cấp trong ASEAN; diễn đàn an ninh khu vực ARF cùng các đối tác khác của ASEAN và các cuộc họp riêng rẽ với các quốc gia thuộc vùng hạ lưu sông Mekong như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ tham dự một cuộc họp với các quan chức 10 nước thành viên ASEAN kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền. Đông Nam Á hiện đang nổi lên thành ưu tiên của Mỹ, với một loạt chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp: Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman thăm Indonesia, Campuchia và Thai Lan hồi tháng 5, 6; tiếp đến là chuyến công du Singapore, Việt Nam và Philippines trong tuần trước của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Và tháng 8 này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam.

Quan hệ Mỹ - ASEAN không được quan tâm đầy đủ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Mỹ kỳ vọng tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 1.

Có thể nói quan hệ Mỹ và ASEAN đã không được quan tâm đầy đủ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì nay Tổng thống Joe Biden muốn củng cố lại mối quan hệ này. Mặt khác ASEAN vốn được xác định là một phần thiết yếu trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ thì sẽ càng phải chú trọng hơn việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác tại đây.

Chuyến thăm vừa được công bố của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore và Việt Nam vào tháng 8 này tiếp tục lại cho thấy thêm một tín hiệu tích cực nữa. Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng qua chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Lloy Austin, chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Haris sẽ tập trung tăng cường quan hệ kinh tế và văn hóa với khu vực.

Sự kết nối, trao đổi dày đặc và liên tiếp ở cấp cao như vậy giữa các quan chức Mỹ và ASEAN cũng có thể coi là hiếm có trong những năm trở lại đây. Nó cho thấy Mỹ đang kỳ vọng tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á thông qua các hoạt động trao đổi ngoại giao thường xuyên. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên cũng là vấn đề được quan tâm.

Trao đổi thương mại hàng hóa khá chậm chạp

Thương mại song phương đạt hơn 307 tỷ USD trong năm 2020, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn, ví dụ năm ngoái, trao đổi thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Trung Quốc tăng mạnh, đạt hơn 684 tỷ USD.

Mỹ kỳ vọng tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 2.

ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc năm 2020. Các đối tác khác cũng tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN thông qua nhiều hiệp định thương mại. Có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Một số nước ASEAN cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các đối tác thương mại khác ở Thái Bình Dương. Hay việc EU ký hiệp định thương mại tự do với Singapore và Việt Nam.

Duy trì khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan, vào tối 2/8 đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị, các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân đối với an ninh khu vực, cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước giai đoạn 2018-2022, nhất trí tiếp tục tham vấn, thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sớm ký kết Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao vai trò và quảng bá giá trị của Hiệp ước, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, qua đó đóng góp cho nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Theo vtv.vn