Thứ 4, 20/11/2024, 20:32[GMT+7]

400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch, ngày thứ 13 Macau không có ca mắc mới

Thứ 3, 17/08/2021 | 08:13:48
664 lượt xem
Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận 208 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,37 triệu trường hợp tử vong.

Khách hàng cung cấp bằng chứng đã tiêm vaccine COVID-19 để vào một nhà hàng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ hôm 7/8 - Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới khi ghi nhận 37.468.069 ca mắc và 637.561 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 32.239.249 ca mắc, trong đó có 431.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 569.218 ca tử vong trong tổng số 20.364.099 ca mắc.

Bộ Y tế Lào ngày 16/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 349 ca mới, trong đó ngoài 312 ca nhập cảnh được cách ly ngay còn có 37 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 10.441 ca, trong đó có 9 người tử vong.

Sáng 16/8, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 21.157 ca mới và 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 928.314 ca, trong đó có 7.734 người không qua khỏi.

400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch, ngày thứ 13 Macau không có ca mắc mới - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế tại một điểm tiêm ở thủ đô Vientiane kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tiêm vaccine. Ảnh: TTXVN

Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa 15 nước, gồm Bangladesh, Campuchia, Pháp, Hy Lạp, Iran, Malaysia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Tanzania, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Mỹ, từ nhóm có nguy cơ trung bình lên nhóm có nguy cơ cao về dịch COVID-19 từ ngày 20/8. Đến nay, đặc khu này ghi nhận khoảng 12.000 ca bệnh. Ngày 16/8 là ngày thứ 13 liên tiếp, Macau không ghi nhận ca mắc mới nào.

Tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK đưa tin chính phủ nước này sẽ tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh nữa, ngoài Tokyo và 5 khu vực khác, trong giai đoạn từ ngày 20/8-12/9. Các tỉnh trong danh sách này gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka, quyết định trên dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/8. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp áp dụng đến ngày 31/8 đối với thủ đô Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa cũng sẽ được gia hạn đến ngày 12/9.

400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch, ngày thứ 13 Macau không có ca mắc mới - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Petah Tikva, Israel. Ảnh: THX/TTXVN

Israel ngày 16/8 đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới 8 nước là Uzbekistan, Argentina, Belarus, Nam Phi, Vương quốc Anh, Kyrgyzstan, CH Cyprus và Nga. Tuy nhiên, nước này sẽ vẫn duy trì lệnh cấm người dân nước này tới Brazil, Gruzia, Mexico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và bổ sung thêm Bulgaria vào danh sách do số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng mạnh trong thời gian gần đây. Công dân Israel và thường trú nhân ở Israel muốn tới 6 nước trên phải nộp đơn lên một ủy ban xem xét các trường hợp ngoại lệ.

Cùng ngày, Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Australia - đã ban bố lệnh giới nghiêm phòng ngừa COVID-19 trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Theo quyết định, người dân không được ra khỏi nhà từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu áp dụng từ tối 16/8 đến ngày 2/9. Những người làm các công việc thiết yếu phải có giấy phép đi đường.

Tại Mỹ, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Francis Collins cảnh báo, do sự lây lan của biến thể Delta, số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận hàng ngày có thể vượt 200.000 ca trong vài tuần tới.

400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch, ngày thứ 13 Macau không có ca mắc mới - Ảnh 3.

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Collins, Mỹ đang lâm vào khủng hoảng khi có tới 90 triệu người vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và việc số ca nhiễm mới quay trở lại mốc 200.000 ca/ngày mặc dù là điều không mong đợi, song là hiện thực phải đối mặt. Ông cho rằng "cần làm mọi thứ có thể" ở thời điểm hiện tại để xoay chuyển tình thế.

Giám đốc Collins bày tỏ quan ngại về thực trạng số bệnh nhi COVID-19 nhập viện điều trị tăng mạnh, hiện đã lên tới gần 2.000 ca, trong đó có nhiều ca đang phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đáng báo động, trong đó có cả những bệnh nhi dưới 4 tuổi. Ông cho biết thêm, đã có ít nhất 400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch COVID-19.

Serbia đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19 mới, với mức độ bình quân 900 ca/ngày trong tuần qua do biến thể Delta. Hiện quốc gia này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người. Serbia đến nay đã ghi nhận 732.044 ca COVID-19, trong đó có 7.167 người tử vong.

Theo vtv.vn